Tuesday, 16/04/2024 | 20:49 GMT+7

Châu Á - Thái Bình Dương cần trao đổi năng lượng xuyên biên giới

16/10/2013

ADB khuyến nghị, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tăng cường trao đổi năng lượng xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ trong hai thập kỷ tới.

Theo Báo cáo nghiên cứu “Triển vọng năng lượng châu Á - Thái Bình Dương” vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung năng lượng của thế giới vào năm 2035, với mức tăng tiêu dùng điện năng cao gấp đôi tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ADB khuyến nghị, các nước trong khu vực cần tăng cường trao đổi năng lượng xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ trong hai thập kỷ tới.

9ee08ce8f_nganh_dien.jpg
ADB khuyến nghị, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tăng cường trao đổi năng lượng xuyên biên giới để đáp ứng nhu cầu năng lượng bùng nổ trong hai thập kỷ tới.

Ông S. Chander-cố vấn cao cấp đặc biệt, cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác công-tư tại ADB nhấn mạnh, các quốc gia của khu vực châu Á - Thái Bình Dương không thể đáp ứng các yêu cầu năng lượng của riêng mình. Vì vậy, cần phải tăng tốc kết nối lưới điện qua biên giới để nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi phí, tận dụng các năng lượng dư thừa.

Cũng theo báo cáo, nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục thống trị các nguồn năng lượng trong những thập kỷ tới, với nhu cầu về than đá sẽ tăng lên hơn 50% trong giai đoạn từ nay đến năm 2035, tương đương gần 2%/năm, do mức tiêu thụ rất lớn từ Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu dầu mỏ cũng sẽ tăng trưởng 2%/năm, trong đó dẫn đầu là lĩnh vực giao thông ở khu vực Nam Á. Do đó, nhu cầu khí đốt tự nhiên sẽ tăng nhanh khoảng 4%/năm vì ít tác động đến môi trường và dễ sử dụng.

ADB cảnh báo, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá nhiên liệu, an ninh năng lượng lẫn những thách thức về môi trường. Lượng khí thải carbon dioxide của khu vực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của thế giới.

“Nếu không giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và than đá nhập khẩu, sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn thì sự phân hóa về năng lượng giữa người nghèo và người giàu, nước nghèo và nước giàu trong khu vực sẽ ngày một gia tăng. Đó còn chưa kể đến các mối đe dọa lớn hơn từ biến đổi khí hậu”, báo cáo nêu rõ.

ADB cũng cho rằng, giữa khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á có những cơ hội lớn để xây dựng các sáng kiến ​​trao đổi điện năng qua biên giới hiện có, với mục tiêu cuối cùng là thiết lập được một thị trường năng lượng châu Á vào năm 2030. Hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực năng lượng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực kinh tế và các mối quan hệ giữa các nước cũng trở nên gần gũi hơn.

Báo cáo nghiên cứu “Triển vọng năng lượng châu Á-Thái Bình Dương” do một nhóm các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương của Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản thực hiện trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật trong khu vực của ADB.

Theo ADB
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện