Friday, 29/03/2024 | 19:11 GMT+7

5 nhóm chính sách cần sửa đổi, bổ sung vào Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

28/09/2022

Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng trung bình khoảng 7%/năm, riêng nhu cầu về điện tăng trưởng trung bình 9,5%/năm để đáp ứng tăng trưởng GDP bình quân từ 6-7%/năm.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường; các nguồn năng lượng hoá thạch đang ngày càng cạn kiệt; các nguồn năng lượng tái tạo giá thành còn cao và thiếu ổn định, chưa hoàn toàn thay thế được năng lượng truyền thống thì việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu. 
Công nhân PC Cao Bằng hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn.  
Để thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam trong thời gian tới, thực hiện lộ trình đưa phát thải ròng bằng “0” theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, Bộ Công Thương đang nghiên cứu sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2022. Phóng viên Nguyên Long phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về các nội dung trọng tâm sẽ sửa đổi, bổ sung vào Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
 
PV: Thưa Bộ trưởng, rất nhiều quốc gia đang đẩy mạnh chính sách tiết kiệm năng lượng trước các tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, khủng hoảng năng lượng ở nhiều nước. Tại Việt Nam, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được quan tâm như thế nào, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Nghị quyết số 55/NQ-BTC ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính Trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ: tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội. 
 
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai thực hiện từ rất sớm. 
 
Ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 với nhiều hoạt động, giải pháp được tổ chức triển khai trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và trên phạm vi cả nước. Một trong những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình là đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, ý thức tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Triển khai tổ chức thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn các nội dung của Luật.
 
Đến nay có thể nói chúng ta đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và kiện toàn để thúc đẩy thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó, vai trò tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp luôn được coi là trọng tâm.
 
PV: Vâng, cụ thể Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý thức tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp thời gian qua? 
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Qua công tác kiểm tra giám sát thực thi các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chúng tôi thấy rằng ý thức chấp hành pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp đã được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít doanh nghiệp thực hiện các quy định theo cách hình thức, đối phó, chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả của tiết kiệm năng lượng. 
 
Trong bối cảnh thị trường năng lượng quốc tế diễn biến phức tạp, trước nguy cơ giá năng lượng tăng cao và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng có thể xảy ra, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xác định được trách nhiệm, đồng thời cũng là lợi ích không nhỏ của mình trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, truyền thông, tăng cường công tác thanh kiểm tra về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội nhằm đạt được mục tiêu về giảm cường độ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính mà Chính phủ đề ra.
 
PV: Các nghiên cứu cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam còn rất lớn, đòi hỏi cần phải có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ để triển khai có hiệu quả các kế hoạch mà Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn đến năm 2030 đã đề ra. Xin được hỏi quan điểm của Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua việc tiết kiệm năng lượng đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ.  Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các giai đoạn từ 2006-2015 (Chương trình VNEEP1 và VNEEP2), cả nước đã tiết kiệm được tương ứng 3,4% và 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng trong từng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm được tổng cộng 16,1 triệu tấn dầu quy đổi. Đây là một kết quả khả quan và rất có ý nghĩa về kinh tế, xã hội cũng như về mặt bảo vệ môi trường. Tuy nhiên tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong nhiều ngành tại Việt Nam vẫn còn lớn. 
 
Theo đánh giá của Viện Năng lượng và Ngân hàng Thế giới, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam còn tiềm năng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng từ 15-35%. Điều đó chứng tỏ chúng ta vẫn cần phải triển khai quyết liệt các giải pháp, các chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cả về chiều sâu và chiều rộng.
 
Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). 
 
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trung ương đến địa phương đồng thời với việc tổ chức và giám sát thực hiện nghiêm các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
PV: Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích mà còn thiếu các yếu tố quy định bắt buộc, gắn với trách nhiệm phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Về các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các văn bản dưới Luật đã quy định tương đối đầy đủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các quy định chỉ bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (cơ sở sử dụng nhiều năng lượng), còn đối với một số đối tượng chỉ mang tính khuyến khích như: hoạt động dịch vụ và hộ gia đình, chiếu sáng công cộng hay trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn thiếu hoặc chưa thực sự đi vào cuộc sống. Điều này đặt ra yêu cầu đối với việc rà soát, kiện toàn các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
 
Triển khai thực hiện Nghị quyết 55 và thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, hiện nay Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đánh giá về việc sửa đổi Luật, báo cáo Chính phủ trong Quý 3 năm 2022 để báo cáo Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 năm 2022. 
 
PV: Cụ thể, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ được sửa đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong Báo cáo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung theo 5 nhóm chính sách nhằm triển khai tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, cụ thể: Nhóm thứ nhất là những quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng. Nhóm thứ 2 là nhóm các quy định quản lý đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhóm thứ 3 là những chính sách, quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhóm thứ tư là nhóm chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; và nhóm thứ 5 là tổ chức triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: Trang điện tử ngành điện
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện