Sunday, 06/10/2024 | 20:55 GMT+7

Khởi động Dự án Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam

11/11/2011

Sáng 11/11/ 2011 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Văn phòng UNIDO tại Việt Nam đã đồng phối hợp tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hoá hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”.

Sáng 11/11/ 2011 tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Văn phòng UNIDO tại Việt Nam đã đồng phối hợp tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hoá hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”. Dự án được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Phát triển công nghiệp liên hợp quốc – UNIDO và kinh phí tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu.

6ed7be8c5_mr_unido.jpg

Ông Patrich Jean Gilabert, Trưởng đại diện văn phòng UNIDO tại Việt Nam


Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Patrich Jean Gilabert, Trưởng đại diện văn phòng UNIDO tại Việt Nam nhấn mạnh “Ở cấp độ toàn cầu, Dự án sẽ góp phần giảm thải khí hiệu ứng nhà kính khoảng 324.000 tấn CO2. Ở cấp quốc gia, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 308.000 MWh và 40.000 tấn dầu tương đương trong vòng 10 năm tác động của dự án (từ nay đến năm 2020). Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước do giảm chi phí năng lượng và giảm ô nhiễm và tác động về môi trường”.

Dự án được đưa vào triển khai thực hiện ngày 16/7/2011 và sẽ kết thúc sau 3,5 năm. Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 6,6 triệu USD. Đối tượng chính hưởng lợi từ dự án là các doanh nghiệp trong các ngành công nhiệp như giấy, bột giấy, dệt, thực phẩm và cao su.

d380e540a_mr_kim.jpg

Ông Phương Hoàng Kim, Giám đốc dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương

Mục tiêu hướng tới của dự án là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam cải thiện hệ thống thông qua tiếp cận về hệ thống và tiêu chuẩn ISO 50001 – Tiêu chuẩn quản lý năng lượng. Tiêu chuẩn này đưa ra một khung dựa trên cơ sở sự công nhận của thị trường để tích hợp hiệu suất năng lượng vào việc thực hành quản lý. Tiêu chuẩn sẽ cung cấp cho các tổ chức thuộc  khu vực tư nhân và công cộng các chiến lược quản lý để nâng cao hiệu quả năng lượng sử dụng, góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu suất năng lượng.

10 năm trở lại đây mức độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng rất nhanh trong đó công nghiệp và dân dụng là hai khu vực sử dụng điện chính, chiếm đến 90% tổng năng lượng tiêu thụ. Uớc tính lượng khí phát thải của Việt Nam sẽ tăng từ 40 triệu tấn năm 2000 lên 172 triệu tấn năm 2020 và trên 300 triệu tấn năm 2050. Mức độ gia tăng này chủ yếu đến từ  sự gia tăng đáng kể của nguồn phát năng lượng.

Ông Phương Hoàng Kim, Giám đốc dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương cho biết , Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đó một chiến lược dài hạn mang tầm quốc gia là Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã triển khai thành công giai đoạn I và đang ở giai đoạn II với mục tiêu giảm tiêu thụ 5-8% tổng năng lượng tiêu thụ. Từ đầu năm 2011 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực chính là cơ sở pháp lý quan  trọng cung cấp khung chính sách và các chương trình dài hạn của Chính phủ trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, Việt Nam rất cần sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong việc xây dựng năng lực đối với các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Theo kế hoạch Dự án gồm có ba hợp phần chính bao gồm: Nâng cao năng lực quốc gia về quản lý năng lượng và tối ưu hoá hệ thống; Thực hiện dự án trình diễn về quản lý năng lượng và tối ưu hoá hệ thống và Xây dựng năng lực tài chính để hỗ trợ các dự án về hiệu suất năng lượng trong công nghiệp.

Bà Phạm Thị Nga, Điều phối viên dự án cho biết, khi Dự án kết thúc, một chính sách phù hợp để áp dụng tiêu chuẩn ISO 50.001 sẽ được thông qua và đi vào thực tiễn. Một đội ngũ chuyên gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp, các tổ chức tư vấn/trung tâm tiết kiệm năng lượng và các tổ chức cung cấp dịch vụ năng lượng sẽ được hình thành để cung cấp các dịch vụ liên quan đến quản lý năng lượng và tối ưu hoá hệ thống. Dự án cũng sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng –ISO 50.001 và thực hiện các dự án tối ưu hoá hệ thống trong công nghiệp và nâng cao năng lực tài chính để hỗ trợ thực hiện các dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp.

Đây là hội thảo khởi động Dự án, tới đây một loạt các khoá đào tạo sẽ được tổ chức cho 50 chuyên gia trong nước và các cán bộ quản lý/kỹ sư kỹ thuật của các nhà máy công nghiệp về quản lý năng lượng và tối ưu hoá hệ thống cũng như xây dựng các dự án khả thi để vay vốn từ các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, Dự án sẽ thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thúc đẩy việc áp dụng Tiêu chuẩn quản lý năng lượng – ISO 50.001.

ISO 50001- Tiêu chuẩn quản lý năng lượng được thiết kế để giúp các công ty sử dụng hiệu quả nhất các thiết bị/phương tiện tiêu thụ năng lượng, đánh giá và hướng  ưu tiên vào việc ứng dụng công nghệ tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và thúc đẩy hiệu quả năng lượng thông qua chuỗi cung cấp.

ISO 50001  sẽ giúp các DN:
+ Xây dựng chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
+ Xác định các mục tiêu và chỉ tiêu phù hợp với chính sách đặt ra
+ Sử dụng số liệu (dữ liệu) để hiểu rõ hơn và đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng năng lượng
+ Đo lường kết quả
+ Đánh giá hiệu quả của chính sách
+ Tiếp tục cải thiện hệ thống quản lý năng lượng

ISO 50.001 có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức nào, không liên quan đến qui mô của tổ chức. Tiêu chuẩn quản lý năng lượng có thể được thực hiện một các riêng biệt hoặc có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác. 

ISO 50.001  được Tổ chức  tiêu chuẩn quốc tế công bố rộng khắp vào ngày 17/6/2011.


Trần Liễu