Saturday, 20/04/2024 | 07:05 GMT+7

Điện năng ở Việt Nam – Hai chân yếu, điểm tựa xa

17/01/2011

Điện năng ở Việt Nam xưa nay vẫn dựa vào "hai chân" là thủy điện và nhiệt điện. Nhưng thủy điện thì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, còn nhiệt điện thì tiêu thụ rất nhiều than trong khi ngành than không đủ khả năng để đáp ứng. Điểm tựa điện hạt nhân thì còn… xa.

Điện năng ở Việt Nam xưa nay vẫn dựa vào "hai chân" là thủy điện và nhiệt điện. Nhưng thủy điện thì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, còn nhiệt điện thì tiêu thụ rất nhiều than trong khi ngành than không đủ khả năng để đáp ứng. Điểm tựa điện hạt nhân thì còn… xa.


Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà đóng trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam có 3 tổ máy với công suất thiết kế 100 MW.


Ngày các phóng viên đến thăm là mới bắt đầu mùa khô nhưng nước hồ Thác Bà xuống thấp hơn mực nước trung bình cùng kỳ hàng năm nhiều mét. Như vậy là lòng hồ trong mùa mưa 2010 không tích đủ nước cho mùa khô năm 2011. Hôm đó Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà chỉ cho chạy một tổ máy phát điện. Tổ máy thứ hai nghỉ, còn tổ máy thứ ba đang được đại tu với sự giúp đỡ của các chuyên gia Ukraina.



ThacBa1.jpg


Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật – sản xuất của Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà, cho biết: “Về mức nước thượng lưu của Thác Bà thì năm 2010 so với mọi năm thấp hơn năm 2009, so với năm 2008 lại càng thấp hơn. So với sản lượng hiện tại của Thác Bà thì năm 2009 cao gấp đôi. Tháng 10/2009 Thác Bà phát được 409 triệu kWh, nhưng trong tháng 10/20010 chỉ phát được 206 triệu kWh, kém hơn 200 triệu kWh. Với mức nước thấp trong lòng hồ thì Thác Bà không thể đạt kế hoạch năm 2010. Mức nước hiện nay là 53,4m trong khi vào cùng thời điểm của năm 2008 thì mức nước đạt 57m”.



Như chúng ta đã biết, mùa hè năm nay ở Việt Nam nắng nóng lạ thường và nước sông cũng thấp kỷ lục. Do trời khô hạn kéo dài nên mới cuối tháng 5 mực nước ở hồ thủy điện Hòa Bình và các hồ khác xuống gần mực nước chết, tức không thể vận hành máy phát điện. Mực nước các sông ở Việt Nam thấp như vừa qua nhiều chục năm mới gặp phải và tình trạng này khiến cho việc thiếu điện càng thêm trầm trọng.



Theo chị Trịnh Thu Phương, Phó trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng – thủy văn Trung ương, trong những tháng đầu năm 2011 tại Đồng bằng Bắc Bộ hạn hán có khả năng sẽ tiếp tục. Dòng chảy của các sông suối tiếp tục xuống dần và nguồn nước thiếu hụt 40% so với trung bình hàng năm. Đặc biệt dòng chảy phía Tây Bắc, nơi hội tụ của hai hồ chứa lớn là hồ Sơn La và Hòa Bình có khả năng sẽ thiếu hụt nặng nề nhất nhất là từ 30 – 35%. Dòng chính trên sông Hồng có khả năng sẽ thiếu hụt 35%, còn ở phía Đông Bắc, nơi có sự hội tụ của hai hồ chứa là hồ Thác Bà và hồ Tuyên Quang thì hiện tượng thiếu nước sẽ tiếp tục xảy ra và sẽ thiếu hụt 20 – 30% so với mức trung bình nhiều năm. Năm 2010 là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino rất nặng nề.


Một số chuyên gia cho rằng thủy điện chiếm trên 35% tổng sản lượng điện ở nước ta là điều bất cập vì thủy điện phụ thuộc vào mực nước sông mà nước sông lại do thiên nhiên quyết định, thất thường và có tính chất mùa vụ. Đó là chưa nói đến chuyện Việt Nam ở cuối nguồn các con sông lớn trong khu vực, chịu tác động từ chính sách sử dụng nước của các quốc gia ở thượng lưu. Ngay cả những quốc gia có nhiều dòng sông lớn cũng không quá trông chờ vào thủy điện, tỷ trọng thủy điện chỉ dao động từ 10 đến 20% trong tổng sản lượng điện. Tiến sĩ Vật lý và là nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Khải nêu rõ: “Thủy điện cho thấy nguy cơ rất lớn không chỉ ở một nước mà ở nhiều nước trên thế giới. Thủy điện trong hàng chục năm đầu phát huy rất tốt nhưng về sau gây ra hiện tượng kiệt nước. Song nguy cơ lớn nhất của thủy điện là gây biến đổi khí hậu, môi trường”.


Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại cho rằng trong điều kiện của nước ta thì tỷ trong thủy điện hiện nay trong hệ thống điện năng là hợp lý. Trả lời phỏng vấn của PV, ông nói: “Theo kế hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất thủy điện vào năm 2015 vào khoảng 18.000 MW, sản lượng trung bình năm khoảng 80 tỷ kWh vào năm 2015, chiếm 36% công suất của hệ thống điện và khoảng 31,6% sản lượng điện của hệ thống. Vào thời điểm hiện nay công suất lắp đặt trong thệ thống điện vào cỡ 20.630 MW, riêng công suất thủy điện chiếm 36% - khoảng trên 7.400 MW.


Về mặt sản lượng thì thủy điện chiếm 35% sản lượng của hệ thống điện của tháng 10/2010. Việc phát triển thủy điện cùng các nguồn điện khác trong quan hệ phát triển điện nằm trong bài toán cân đối cung cầu thuộc về năng lượng sơ cấp. Mà chúng ta biết rằng năng lượng sơ cấp gồm có than đá, dầu khí, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, năng lượng mặt trời, điện nhiệt và năng lượng hạt nhân trong tương lai. Ở nước ta với tiềm năng của hệ thống sông ngòi thì việc khai thác thủy điện theo chỉ đạo của Chính phủ hiện nay được đánh giá là hợp lô gích”.



Theo các chuyên gia, trong khi thủy điện phải phụ thuộc vào nguồn nước thì để giải bài toán thiếu điện Việt Nam phải đầu tư xây dựng thêm hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy bằng than với công suất 25.000 – 30.000 MW. Có phải nhiệt điện là giải pháp tối ưu cho nước ta trong tương lai? Chúng tôi đã đến thăm Công ty Cổ phần nhiệt điện Phả Lại đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nơi có hai tổ máy hoạt động với tổng công suất thiết kế 1.040 MW. Ông Vũ Xuân Cường, Phó Tổng giám đốc kỹ thuật, cho biết: Công ty được EVN giao nhiệm vụ phát lên lưới điện quốc gia hơn 7 tỷ kWh trong năm 2010. Để đạt được nhiệm vụ này hai tổ máy đã làm việc không ngừng nghỉ, “quên” cả thời gian bảo dưỡng định kỳ nhằm gánh đỡ cho thủy điện vào mùa nước cạn. Song, hai tổ máy của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn than trong khi kho than dự trữ chỉ đảm bảo được 20 ngày.


Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng thừa nhận, lượng than cam kết cung cấp cho ngành điện đã vượt rất xa khả năng sản xuất trong nước. Do đó, nhập khẩu than là không tránh khỏi kể từ năm 2015 trở đi.


Trong khi “hai chân” đều có điểm yếu thì chỗ dựa tương lai của ngành điện sẽ là điện hạt nhân. Hai nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sẽ có công suất 8.000 MW, một con số không nhỏ nếu ta biết rằng tổng công suất của các nhà máy điện hiện nay ở nước ta là 14.000 MW. Nhưng đó là vào năm 2025 và khi mọi việc diễn ra suôn sẻ.


Theo
LH các Hội KH&KT Việt Nam


Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện