Thursday, 28/03/2024 | 18:32 GMT+7

Năng lượng sạch góp phần giải bài toán hạn mặn cho người dân miền Tây

08/04/2020

Dự án lọc nước bằng hệ thống năng lượng mặt trời đã phần nào giúp giải quyết vấn đề hạn mặn nghiêm trọng cho bà con tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trường Tiểu học Tân Hưng Đông II (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đang gặp phải vấn đề thiếu nước ngọt trầm trọng trong sinh hoạt giảng dạy giống như bao ngôi trường khác tại huyện Cái Nước. Nhưng năm nay giáo viên và học sinh trường đã phần nào được giải toả nỗi lo thiếu nước nhờ vào hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời trên mái mới được lắp đặt. 

Trường tiểu học Tân Hưng Đông II

Thầy Nguyễn Thái Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hưng Đông II, cho biết “Hệ thống lọc nước RO chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ cung cấp nước cho 250 học sinh, 48 giáo viên và khoảng trên 20 hộ dân gần trường. Nhà trường, phụ huynh và địa phương vô cùng vui mừng và phấn khởi khi hệ thống được đưa vào sử dụng đúng thời điểm hạn nặng, nước ngọt, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng. Trong đợt dịch Covid-19 và hạn mặn đang diễn ra, nhà trường sẽ vận hành hệ thống để cung cấp nước miễn phí cho bà con trong địa phương.”

Hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời này do Tập đoàn Đầu tư và phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) kết hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thực hiện trong chương trình “Góp năng lượng - Tỏa yêu thương”.

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều điểm cung cấp nước ngọt bằng hệ thống lọc tương tự sẽ tiếp tục triển khai.

Hiện tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (Cà Mau) đang được nghiên cứu lắp đặt một hệ thống tương tự với chi phí 140 triệu đồng. Nguồn kinh phí được  SolarBK và GreenID hỗ trợ một phần, một phần huy động từ địa phương. 

Với công suất 300 lít/giờ, hệ thống có khả năng hoạt động liên tục 10 tiếng/ngày, cung cấp nước ngọt cho 300 học sinh, giáo viên và người dân khu vực lân cận.

Đồng thời hai đơn vị thực hiện dự án đã tính toán nhu cầu dùng nước của trường trong tương lai để cơ sở không phải chi thêm chi phí phát sinh. 

Theo tính toán, hệ thống sẽ được thiết kế để cung cấp 625 lít/ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước cho khoảng 625 học sinh tại trường vào năm 2030. 

Các chi phí cộng thêm như phí bảo dưỡng, thay lõi lọc, nhân công bảo trì và vận hành hàng tháng.. cũng được xét đến và khấu trừ bằng cách tăng quy mô công suất lên thêm 300 lít/ngày. Lượng nước sạch sản xuất dư sẽ được đóng bình và bán rẻ cho người dân địa phương nhằm tạo nguồn tiền vận hành hệ thống, đồng thời giúp cho bà con ai cũng có nước sạch để dùng với chi phí thấp nhất.

Đại diện SolarBK chia sẻ, mục tiêu của chương trình giúp giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt cho người dân vùng ngập mặn, đồng thời góp phần phần đảm bảo môi trường học tập bền vững cho thế hệ tương lai. 

Hải Đăng

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện