Friday, 29/03/2024 | 02:09 GMT+7

Đột phá công nghệ 'máy lạnh' ít tốn điện

01/09/2021

Một công ty ở Mỹ đã tạo ra loại công nghệ mới để hỗ trợ hệ thống làm mát cho các tòa nhà mà không cần dùng nhiều điện, bắt chước cách hành tinh tự làm mát.


Các tấm tản nhiệt của SkyCool. Ảnh: CNN
Các đợt nắng nóng đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều vùng tại Mỹ, khiến người dân phải thường xuyên sử dụng máy điều hòa. Tuy nhiên, việc này lại gây tốn điện, tạo ra nhiều khí thải nhà kính, góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu.

Công ty SkyCool Systems có trụ sở tại bang California (Mỹ) đang cố gắng phá vỡ vòng luẩn quẩn này. CNN dẫn lời ông Eli Goldstein, đồng sáng lập và là CEO của SkyCool, cho biết: “Hành tinh của chúng ta tự làm mát bằng cách truyền nhiệt ra ngoài dưới dạng ánh sáng hồng ngoại hoặc bức xạ. Chúng tôi đang sử dụng hiệu ứng đó để tản nhiệt từ các tòa nhà ra ngoài vào cả ban ngày và ban đêm, ngay cả dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp”.
Phản xạ 97% ánh sáng mặt trời
Công ty này cho biết họ sử dụng các tấm tản nhiệt trên mái nhà được làm bằng công nghệ nano để thực hiện điều này. Các tấm tản nhiệt bao gồm một lớp màng quang học đặc biệt tỏa ra ánh sáng hồng ngoại và tự làm mát trong quá trình hoạt động. Các tấm tản nhiệt này tuy khá giống các tấm pin mặt trời nhưng không hấp thu nhiệt năng mà phản xạ 97% ánh sáng mặt trời chiếu vào chúng và vẫn giữ mát dưới ánh nắng.

Do những tấm tản nhiệt này không cần sử dụng điện để giữ mát, công ty cho biết chúng có thể giúp xây dựng một hệ thống làm mát cho tòa nhà sử dụng ít điện năng. Mô hình của SkyCool bao gồm việc lắp đặt một mạng lưới các đường ống ở bên dưới các tấm tản nhiệt.

Các đường ống này chứa đầy nước và được làm mát bởi các tấm tản nhiệt, sau đó hỗ trợ làm lạnh cho các chất làm lạnh của máy điều hòa. Quá trình này được thiết kế để làm giảm áp lực cho dàn nóng của máy lạnh, giúp giảm bớt sử dụng điện.

Ảnh hồng ngoại cho thấy nhiệt độ của tấm tản nhiệt thấp hơn nhiệt độ ở môi trường xung quanh. Ảnh: CNN
Một cửa hàng của tập đoàn siêu thị Grocery Outlet ở thành phố Stockton (bang California) đã sử dụng hệ thống của SkyCool từ năm 2020. Quản lý Jesus Valenzuela cho hay những tấm tản nhiệt này ước tính đã tiết kiệm cho cửa hàng của ông khoảng 3.000 USD (khoảng 68,5 triệu đồng) mỗi tháng.
Giá thành cao
Tuy nhiên, hệ thống của SkyCool vẫn còn gặp một số thách thức, trong đó bao gồm việc hệ thống sẽ không hoạt động tốt nếu thiếu ánh sáng mặt trời. Ông Goldstein cho biết: “Công nghệ của chúng tôi hoạt động tốt nhất ở những vùng khí hậu khô và nóng, nơi bầu trời quang đãng. Vì vậy, khi trời có mây sẽ làm chặn quá trình làm mát qua bức xạ. Hơi nước cũng sẽ chặn ánh sáng hồng ngoại tương tự như cách mà khí CO2 chặn ánh sáng và giữ nhiệt”.

Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất để công nghệ này trở nên phổ biến hơn được cho là giá thành tương đối cao. Ông Goldstein từ chối tiết lộ mức giá chính xác của các tấm tản nhiệt do SkyCool sản xuất nhưng thừa nhận rằng chúng hiện “đắt hơn” so với các tấm pin mặt trời.
“Các công nghệ mới như làm mát bằng bức xạ thường sẽ đắt hơn. Mọi người rất nhạy cảm với chi phí ban đầu, và đó là một rào cản khác cho việc đưa vào sử dụng những công nghệ mới”, ông cho biết.

Ông Goldstein nói rằng việc mở rộng quy mô sản xuất có thể giúp giảm chi phí, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, là thị trường mà SkyCool đang nhắm đến.
Hiện tại, công ty đang tập trung vào các ứng dụng thương mại của công nghệ này. Ông Goldstein bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng khi có thể sử dụng công nghệ mới này cho mục đích tốt đẹp”.
Theo Báo Thanh Niên
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện