Friday, 19/04/2024 | 23:04 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng, không tiết kiệm ánh sáng

04/12/2009

Sau rất nhiều nỗ lực của các chuyên gia chiếu sáng công cộng, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (GEF, UNDP), lần đầu tiên hệ thống đô thị mới có một văn bản pháp luật về quản lý chiếu sáng "bảo hộ" (Nghị định về quản lý chiếu sáng đô thị). Theo đó, chiếu sáng đô thị được nhìn nhận từ khâu quy hoạch, tổ chức, đầu tư phát triển, quản lý vận hành, đến trách nhiệm các bên liên quan, đều được làm rõ.

 

Kể từ đây, các nguyên tắc về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường trở thành điều bắt buộc; các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, dán nhãn tiết kiệm năng lượng là sản phẩm duy nhất được dùng tại các công trình sửa chữa, thay thế, lắp mới nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng có sử dụng nguồn vốn Nhà nước; trong thiết kế chiếu sáng có các giải pháp sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao.

 

TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, đây là "công cụ quản lý thống nhất, có tính pháp lý cao góp phần cải cách, thúc đẩy ngành chiếu sáng phát triển bền vững". Trước khi có Nghị định này (28/9/2009), chiếu sáng công cộng chỉ là một nội dung nhỏ lồng ghép trong quy hoạch cấp điện đô thị; chất lượng chiếu sáng chưa cao, mang tính tự phát; chiếu sáng hiệu suất thấp, tiêu tốn điện năng vẫn còn; chưa có chính sách tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển chiếu sáng đô thị.

 

Giải bài toán này, Hội chiếu sáng Việt Nam kiên trì theo đuổi tôn chỉ tiết kiệm điện trong chiếu sáng bằng các giải pháp công nghệ "tiêu tốn ít điện năng nhưng chất lượng ánh sáng tốt hơn".

Công ty chiếu sáng công cộng thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị dẫn đầu trong ngành chiếu sáng đô thị, đã đào tạo chuyên gia tại nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm các nhà thiết kế chiếu sáng nổi tiếng thế giới, ứng dụng thành công các công trình Chiếu sáng kỹ thuật có bản sắc được đánh giá cao tại các khu vực đặc thù nhất như khu vực trước Trụ sở UBND, Nhà hát thành phố, cầu Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh);  tòa nhà Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Hà Nội...

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất các loại bóng đèn hiệu suất cao (bóng đèn huỳnh quang T8-Deluxe, bóng đèn HQ compact, Balát điện tử tích hợp công nghệ IC, bóng đèn huỳnh quang lắp nổi, bộ đèn âm trần, bộ đèn lắp nổi, đèn LED…) giúp giảm tiêu hao từ 20-40% điện chiếu sáng trong các tòa nhà; bảo đảm chất lượng ánh sáng, độ rọi bàn học, bàn làm việc.

Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp, các cấp chính quyền đã hợp lực triển khai Dự án Chiếu sáng công công hiệu suất cao tại Việt Nam. Theo tính toán, vào năm 2010, khi dự án này kết thúc, sẽ  tiết kiệm 163,4 GWh điện. Mô hình chiếu sáng học đường đã được nhân rộng tới gần 15.000 phòng học trong cả nước; không chỉ tiết kiệm điện mà còn giữ gìn đôi mắt trong sáng cho thế hệ tương lai. Đây là hình ảnh đẹp nhất minh chứng cho xu hướng "tiết kiệm điện không tiết kiệm ánh sáng" đang bắt đầu lan tỏa tại Việt Nam.

 

                                           

                                                                                                                             Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện