Wednesday, 09/10/2024 | 08:13 GMT+7
Với công nghệ truyền động mới, các nhà máy xử lý nước tại Aarhus ở Đan Mạch không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xử lý nước thải của mình mà còn sản xuất ra điện và nhiệt ở mức dư thừa.
Các cơ sở cung cấp nước và xử lý nước thải thường chiếm 25 - 40% tổng tiêu thụ năng lượng của một thành phố. Tại thành phố Aarhus, Đan Mạch, một công ty nước của địa phương đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi từ một cơ sở xử lý nước thải đơn thuần sang một nhà máy vừa xử lý nước thải, vừa sản xuất điện và nhiệt để đưa vào lưới điện.
Năm 2014, nhà máy này đã tự sản xuất được lượng điện năng đáp ứng 140% nhu cầu tiêu thụ điện của chính mình và tạo ra 2,5 GWh nhiệt. Toàn bộ phần điện năng và nhiệt năng dư thừa này đều được chuyển vào lưới điện và hệ thống sưởi ấm của địa phương, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính. Như vậy, nhà máy này hiện nay không còn tiêu thụ điện từ lưới điện của thành phố nữa mà có thể tự cung ứng nhu cầu năng lượng của mình và bán lại đến 45% năng lượng sản xuất cho cộng đồng.
Tất cả những thành tựu này có được là nhờ việc tối ưu hoá quy trình và sử dụng hơn 120 truyền động đa tốc độ AQUA nhằm kiểm soát hoạt động xử lý tại hầu hết các thiết bị quay trong nhà máy.
Các truyền động này sẽ cho phép nhà máy tự động điều chỉnh tốc độ và công suất tuỳ thuộc theo lượng nước thải vào các thời điểm khác nhau trong ngày, từ đó góp phần tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, các truyền động này còn tạo ra một lượng khí sinh khối khổng lồ từ nước thải dùng trong sản xuất điện và nhiệt.
Mục tiêu của nhà máy nước thải Aarhus Water là mở rộng hiệu quả sản xuất điện năng hơn nữa trong tương lại nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của thành phố, góp phần bảo vệ môi trường. Điều này sẽ đánh dấu một sự chuyển đổi ngoạn mục từ cơ sở tiêu thụ điện lớn nhất thành phố sang cơ sở sản xuất tự cung ứng hàng đầu.
Anh Tuấn (Theo State of Green)