Friday, 19/04/2024 | 08:11 GMT+7

Hướng đến kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng

04/01/2016

KTS Hoàng Thúc Hào luôn hướng đến thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào là giảng viên Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đồng thời sáng lập và là KTS trưởng tại Văn phòng Kiến trúc 1+1>2. Anh nổi tiếng trong giới KTS Việt Nam với những công trình mang tính xã hội như Nhà cộng đồng thôn Suối Rè ở Hòa Bình, Nhà cộng đồng Tả Phìn - Sapa… và nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2015, KTS Hoàng Thúc Hào cùng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã giành chiến thắng tại Festival Kiến trúc Thế giới (WAF 2015) tại hạng mục “Công trình dân dụng-cộng đồng” với công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam).

Điều đáng nói là trong các công trình cộng đồng nói trên, KTS Hoàng Thúc Hào luôn hướng đến thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, tại công trình Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, xuất phát từ hình ảnh sân trong, mái dốc phố cổ, kết hợp với vườn cau, giàn dây leo ở trong các ngôi nhà truyền thống, nhóm thiết kế của KTS Hoàng Thúc Hào đã thiết kế nên một công trình vô cùng thân thuộc nhưng cũng rất độc đáo.

Khối nhà chính công trình có chức năng hội họp, triển lãm, tổ chức sự kiện. Những không gian nhỏ hơn là thư viện xen các lớp học thiếu nhi. Đặc biệt, công trình được thiết kế với hệ vách ngăn di động, không gian dễ dàng biến đổi linh hoạt, diện tích lớn nhỏ tùy nhu cầu sử dụng thực tế. Khu giải khát được quy hoạch gần sân chơi trẻ em, sân thể thao ngoài trời.

Theo chia sẻ của nhóm thiết kế, công trình tiêu biểu cho hình ảnh nông thôn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng ở khu vực miền Trung. Rừng cau thẳng đứng, giàn cây leo giăng ngang những thân cau, kết hợp hệ cấu trúc mái thích nghi gió bão đã cùng hình thành lớp vỏ kép giảm đáng kể bức xạ mặt trời, tạo diện tích bóng mát lớn, sinh động.

Bên cạnh đó, sân trong được thiết kế gợi nhắc không gian nhà cổ Hội An với hệ thống thông gió đối lưu. Vạt mái lớn, dốc vào trong thành phễu thu nước mưa, một phần dẫn ra bể chứa nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, đặt đầu hướng gió, giảm nhiệt gió vào, một phần tái sử dụng cho nhà WC. Hệ mái lá dừa, kết cấu khung tre, cột gỗ kiền kiền vững chắc. Tường bao xây gạch hai lớp không nung, tạo lớp đệm không khí, cách nhiệt, ngăn ồn.

Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh là một điển hình kiến trúc xanh theo xu hướng bền vững, phát huy những yếu tố văn hóa, đổi mới không gian, cách tân phương thức sử dụng vật liệu địa phương.

Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh 

Trước công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, một công trình cộng đồng khác của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự là công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình) cũng đã tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Năm 2012, tại Giải thưởng Kiến trúc quốc tế (International Architecture Awards), công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè đã vinh danh. Trước đó, công trình này cũng đã lọt vào danh sách lựa chọn và tác giả thiết kế được mời thuyết trình tại liên hoan kiến trúc thế giới WAF-Barcelona (Tây Ban Nha) năm 2011 và lọt vào Top 5 (xếp loại thứ 2/383 đồ án từ khắp thế giới) hạng mục Gold Medal (Huy chương Vàng) Giải thưởng Barbara Cappochin Prize - Italia 2011(nằm trong hệ thống giải của Hiệp hội KTS quốc tế - UIA) dành cho công trình thể hiện xuất sắc sự đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng...

Còn ở trong nước, Công trình nhà cộng đồng Suối Rè đã đoạt giải Nhì Giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2010 và được công nhận một trong những công trình kiến trúc xanh do Hội KTS Việt Nam lần đầu tiên bình chọn năm 2012…

Vì sao công trình Nhà cộng đồng Suối Rè có sức hấp dẫn đến vậy? Trước tiên, đó là công trình hướng đến kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Công trình được xây dựng trên mảnh đất mà từ bao đời nay, người Kinh và người Mường chung sống hòa thuận, do vậy hình thái kiến trúc vừa kế thừa cấu trúc nhà năm gian Bắc bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn Mường.

Hơn thế, công trình đã khai thác triệt để yếu tố địa hình. Cấu trúc không gian tổng thể được thiết kế theo lớp. Lớp trước là khoảng sân thoáng, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời. Lớp giữa là không gian sinh hoạt chính, gồm công trình 2 tầng. Tầng trên là không gian đa năng, được sử dụng làm nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp thư viện, nơi thôn làng hội họp... Tầng trệt (ăn vào khoảng lõm triền dốc, tránh gió đông bắc, hút gió địa hình đông nam nên ấm về đông, mát về hè) được mở ra lớp sau, hướng lên núi và rừng tre, tạo ra khoảng không gian để người dân có thể đến tụ họp, làm nghề phụ, vui chơi...

Nhà cộng đồng Suối Rè 

Công trình càng đặc biệt hơn khi KTS thiết kế chủ động thiết kế đơn giản, tiết kiệm, sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương theo nguyên tắc “thống nhất trong tương phản đa dạng”.

KTS đã tạo đường hầm đối lưu gió, khoảng elip thông tầng, những bậc cỏ, mái lấy sáng… Tất cả các yếu tố trên cùng kết nối không gian trước - sau, trong - ngoài, trên - dưới thành chuỗi không gian mở liên hoàn...

KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ: Việc thiết kế các công trình cộng động là một cách để KTS thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, nhất là với người nghèo ở nông thôn.

Ở góc độ người làm nghề, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, kiến trúc nông thôn (với những đặc tính nổi trội là xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng…) chính là một cánh để đưa kiến trúc Việt Nam khoe ra với thế giới... Văn hóa bản địa chính là chìa khóa phát triển kiến trúc xanh hiện đại Việt Nam và là một đóng góp của Việt Nam vào ngôn ngữ kiến trúc thế giới.

Theo Báo Xây dựng

 

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện