Friday, 29/03/2024 | 01:39 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng ở Hàn Quốc: Thú vị và thiết thực

24/11/2012

Chính phủ Hàn Quốc đã phải phát động một chiến dịch tiết kiệm điện với những biện pháp tiết kiệm không tốn kém, khá thú vị mà lại rất thiết thực.

Là một quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào dầu nhập khẩu, để đối phó với tình trạng thiếu điện trong mùa hè, Chính phủ Hàn Quốc đã phải phát động một chiến dịch tiết kiệm điện với những biện pháp tiết kiệm không tốn kém, khá thú vị mà lại rất thiết thực.

Giảm tải điều hòa

Hàn Quốc không phải là quốc gia ngoại lệ với sự nóng lên toàn cầu. Mùa hè ở xứ sở kim chi trong những năm gần đây đã kéo dài gần 6 tháng, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 10. Và cũng không còn ngạc nhiên khi đêm về, nhiệt độ vẫn ở trên 25 độ C và trong thời gian nóng cao điểm, việc sử dụng máy điều hòa không khí chiếm tới 21% tổng tiêu thụ năng lượng. Do đó, một trong những biện pháp tiết kiệm năng lượng được quy định bởi chính phủ là giảm tải điều hòa trong các tòa nhà lớn trên toàn quốc.

Theo đó, các tòa nhà tư nhân không được điều chỉnh máy điều hòa dưới 26 độ C và nhiệt độ tại các tòa nhà văn phòng công cộng cũng bị giới hạn ở trên 28 độ C từ tháng 6 đến tháng 9. Các tòa nhà tư nhân sử dụng hơn 100 kWh sẽ bị giới hạn nhiệt độ như các doanh nghiệp tiêu dùng 2.000 tấn dầu quy đổi năng lượng mỗi năm. Đối tượng nào vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won.

Bên cạnh đó, các cửa hàng bách hóa, cà phê, quần áo, mỹ phẩm, các phòng giao dịch bảo hiểm, ngân hàng… sẽ bị phạt tiền nếu bật điều hòa mà không đóng cửa. Tên của cơ quan, bộ phận không tuân thủ quy định này sẽ được nêu công khai. Ngoài ra, quạt máy cũng được tăng cường sử dụng ở các nơi công cộng, văn phòng làm việc để làm mát và tiết kiệm năng lượng.

Chiến dịch “công sở mát mẻ”

Cool-Biz (Công sở mát mẻ) là một sáng kiến tiết kiệm năng lượng được đưa ra ở Nhật Bản vào năm 2004 mà theo đó các nhân viên công sở cởi bỏ bộ comple và veston kín cổng cao tường để khoác lên những bộ quần áo thoáng mát, nhẹ nhàng nhằm tiết kiệm năng lượng làm mát. Từ năm 2009, Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng phát động một chiến dịch tương tự dưới tên gọi “Coolmaepsi”, nghĩa là “phong cách mát mẻ”.

2d7fa833d_tiet_kiem_dien_quan_sooc.jpg

Việc mặc quần sóoc đến nơi làm việc ngày càng được đàn ông Hàn Quốc áp dụng

Theo đó, mùa hè này, chính quyền Hàn Quốc cho phép đàn ông lẫn phụ nữ mặc áo phông, quần ngắn và đi dép sandal đến nơi làm việc, chỉ riêng với bộ phận thường xuyên phải tiếp xúc khách hàng thì được khuyến khích nên ăn mặc nghiêm túc. Với phụ nữ, quy định này cũng không đột phá gì lắm vì trước đây, họ vẫn được mặc váy và đi giày, dép nhiều kiểu đến cơ quan. Tuy nhiên với cánh đàn ông, đây là một cuộc “cách mạng” lớn vì từ trước đến nay, comple và cà vạt vẫn là trang phục “chuẩn” bất di bất dịch. Đi đầu trong phong trào này là các cán bộ, công chức của chính quyền thủ đô Seoul, thành phố Suwon.

Ngay cả Thị trưởng thủ đô Seoul, ông Park Won-soon cũng lên sàn diễn thời trang trong bộ áo sơmi ngắn tay, quần ngố để cổ động cho chiến dịch. Ngày 12/6, Tổng thống Lee Myung-bak và các Bộ trưởng đã tham dự một cuộc họp nội các trong trang phục sơmi ngắn tay để cổ vũ cho phong trào tiết kiệm năng lượng này.

Làn sóng “mát mẻ” còn lan sang các công ty tư nhân của Hàn Quốc – vốn nổi tiếng khắt khe trong chuyện ăn mặc. Hãng sản xuất thuốc lá lớn nhất của Hàn Quốc KT&G đã tự do hóa các quy tắc ăn mặc nơi làm việc bằng cách cho phép nhân viên mặc quần short và đi dép sandal, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử công ty từ khi thành lập vào năm 1987. Các tổ chức tài chính, bao gồm Chứng khoán Sam Sung, Chứng khoán Woori và Chứng khoán Daishin cũng cho phép nhân viên không cần đeo cà vạt và mặc áo vest cho đến tháng 9. Đây là một trường hợp đặc biệt với Chứng khoán Daishin vì công ty này có quy định ăn mặc rất nghiêm ngặt, kiểm tra trang phục của nhân viên trước và sau giờ làm việc rất nghiêm túc.

Không mấy người biết rằng, chiến dịch Coolmaepsi đã giúp làm giảm nhiệt độ hợp lý xuống 2 độ C và giảm việc sử dụng điều hòa. Đồng thời, nó còn giúp cắt giảm 1,97 triệu tấn khí thải CO2. Thậm chí, Tổng công ty Quản lý năng lượng Hàn Quốc (Kemco) đã dự đoán rằng tăng nhiệt độ trong nhà khoảng 2 độ vào mùa hè trong cả nước sẽ tiết kiệm năng lượng bằng với sản lượng của 2 nhà máy điện hạt nhân.

Tắt tivi

Một hành động đơn giản như tắt tivi thôi cũng có thể giúp giảm hóa đơn tiền điện cho mỗi gia đình. Không chỉ tiết kiệm cho gia đình, tiết kiệm năng lượng cho quốc gia, một số người còn cho rằng chiến dịch khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tivi còn giúp cho trẻ em đọc sách nhiều hơn thay vì “dán” mắt vào màn hình tivi. Ngoài ra, nó còn giúp mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên thân thiện hơn, vì họ sẽ năng trò chuyện với nhau hơn.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm năng lượng

Việc ban hành quy định về tiết kiệm năng lượng với mục tiêu cụ thể và có hình thức kiểm tra, xử phạt những trường hợp làm sai là cần thiết nhưng quan trọng hơn, vẫn là xây dựng ý thức và thói quen tiết kiệm năng lượng ở người dân. Thảm họa hạt nhân Fukuishima ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011 và mất điện quy mô lớn ở Seoul vào tháng 9 cùng năm là những sự kiện có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành một sự đồng thuận trong xã hội Hàn Quốc về sự cần thiết phải giảm tiêu thụ năng lượng và tầm quan trọng của sản xuất bền vững, các nguồn năng lượng tự nhiên thân thiện với môi trường.

1e6f640f2_xemdehoc.jpg

Quạt được tăng cường sử dụng trong văn phòng để giảm tải điều hòa.

Ở thủ đô Seoul, chính quyền thành phố đã phát động một phong trào tiết kiệm năng lượng vì một mục tiêu “Giảm một nhà máy điện hạt nhân” với một loạt biện pháp được tập hợp từ sáng kiến tiết kiệm năng lượng của người dân. Trong đó có việc xây dựng Seoul trở thành “thành phố của ánh sáng mặt trời” với mục tiêu đến năm 2014 sẽ lắp đặt các tấm panel năng lượng mặt trời với công suất phát điện 290MW trên 10.000 công trình công cộng, trường học, nhà ở và cao ốc văn phòng. Ngoài ra, thành phố sẽ thay thế các bóng đèn trong nhà tại các cơ sở công cộng như các tòa nhà văn phòng, đường giao thông, tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm dưới lòng đất, các cửa hàng… bằng đèn led vào năm 2014 với mục tiêu biến Seoul trở thành “thành phố của ánh sáng thông minh”…

Trong tháng 6, Bộ Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc phát động “Tuần lễ xây dựng nhà máy điện của người dân” với thông điệp, việc người dân tiết kiệm điện năng tương đương với việc xây dựng thêm 1 nhà máy điện và Chính phủ Hàn Quốc muốn tiết kiệm 1 triệu kW/tuần. Người dân được khuyến khích giảm tối đa sử dụng các nguồn điện từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, không điều chỉnh máy điều hòa dưới 26 độ C, và các thiết bị điện tử không cắm vào ổ điện khi không sử dụng.

Giờ đây, người tiêu dùng Hàn Quốc đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến các mặt hàng điện tử mang lại hiệu quả năng lượng. “Khách hàng luôn luôn hỏi về hiệu quả năng lượng khi xem hàng điện tử những ngày này. Họ thận trọng và quan tâm nhiều hơn đến mức tiêu thụ năng lượng của những mặt hàng này so với trước đây”, ông Lee Sung-bum, quản lý của một cửa hàng điện tử ở Heukseok-dong cho biết. Còn theo Thị trưởng Seoul Park Won-soon, loại bỏ nhu cầu năng lượng mà một nhà máy điện hạt nhân cung cấp, đó chính là món quà tốt nhất mà thế hệ đương thời dành cho thế hệ tương lai.

Theo Petrotime

http://www.tietkiemnangluong.vn/Home/Detail/tabid/84/ItemId/2269/View/2/CateId/60/language/vi-VN/Default.aspx
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện