Tuabin gió nổi ngoài khơi có phần phức tạp hơn và đòi hỏi chi phí ban đầu cao hơn so với các tuabin gió thông thường. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ năng lượng (ETI) ở Anh, dự án Deepwater, đã cho thấy công nghệ này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong dài hạn nhờ khả năng sử dụng năng lượng gió mạnh và đều hơn ở xa khơi.
Tiến sĩ David Clarke, người điều hành ETI cho biết: “ Theo quan điểm truyền thống, chi phí sẽ ngày càng tăng khi các tuabin được đặt dưới mực nước sâu hơn vì phát sinh chi phí tăng thêm để hỗ trợ hệ thống tuabin ban đầu. Tất nhiên, chi phí lắp đặt các tuabin ở mực nước sâu sẽ cao hơn nhưng tốc độ gió tại vùng nước sâu ở Anh mạnh và đều hơn rất nhiều, nhờ đó công suất đạt được sẽ cao và ổn định hơn. Trong một thời gian dài thì những lợi ích này không chỉ vượt qua chi phí lắp đặt cao ban đầu mà còn tạo ra nguồn năng lượng rẻ.”
Vì thế, kết luận cuối cùng của nghiên cứu ứng dụng này vô cùng đơn giản, đó là tuabin gió nổi là có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật cũng như tính kinh tế.
Gần đây, người ta đã tiến hành thêm hai nghiên cứu ứng dụng về các tuabin gió nổi. Thứ nhất là dự án Nova, nghiên cứu tiềm năng sử tuabin gió ngoài khơi cải tiến theo trục thẳng đứng. Thứ hai là dự án Helm Wind, nghiên cứu tính khả thi của việc thay đổi thiết kế cơ bản các trang trại gió ngoài khơi.
Khi các nghiên cứu này được hoàn thành, ETI có thể sẽ xem xét việc cấp vốn để thực hiện các dự án.
Năng lượng gió ngoài khơi có vẻ như dành được sự ưu tiên lớn trong các nghiên cứu ở Anh. Hi vọng rằng trong tương lai gần những nhà hoạch định sẽ giảm bớt các dự án khoan dầu ngoài khơi và tập trung nguồn lực này để phát triển một nguồn năng lượng sạch: năng lượng gió.
Kim Anh (theo Cleantechnica.com)