Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao- DOVECO (Tam Điệp, Ninh Bình) được thành lập năm 1955, trực thuộc Tổng công ty rau quả & Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với 4 dây chuyền thiết bị hiện đại, công suất 25.000 tấn SP/năm, công ty là nhà cung cấp nông sản chế biến hàng đầu Việt Nam đồng thời đây cũng Công ty đầu tiên đưa và khẳng định được chất lượng cho rau quả Việt nam trên thị trường thế giới.
Ông Phạm Ngọc Thành, giám đốc Công ty chia sẻ, để đáp ứng thị trường trong nước và đặc biệt là thế giới, các sản phẩm của công ty phải không ngừng nâng cao và hoàn thiện chất lượng, mẫu mã. Với ngành sản xuất thực phẩm yếu tố đảm bảo vệ sịnh, bảo vệ môi trường luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Chính vì thế ngoài việc trang bị kỹ thuật hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến thì yếu tố sản xuất thân thiện môi trường trong đó là chiến lược sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng là điều công ty hướng đến.
Được sự tư vấn và hỗ trợ từ Trung tâm TKNL, Sở Công Thương TP Hà Nội, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã tiến hành thực hiện kiểm toán năng lượng, tìm kiểm cơ hội giảm chi phí sản xuất. Thông qua 13 giải pháp được đề xuất, ước tính mỗi năm Công ty có thể tiết kiệm khoảng 3,4 tỷ đồng nhờ giảm tiêu hao điện, than và dầu. Không chỉ giúp tăng doanh thu, tham gia thực hiện sử dụng hiệu quả năng lượng công ty còn có thể giảm phát thải CO2 ra môi trường, làm trong lành không khí đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Đơn giản như với hệ thống chiếu sáng, chỉ bằng 2 giải pháp là thay thế 200 bóng huỳnh quang T10 chấn lưu điện từ bằng các bóng T8 chấn lưu điện tử và thay toàn bộ 250 bóng cao áp thủy ngân bằng các bóng Compact 75W, mỗi năm công ty cũng có thể tiết kiệm 43 triệu đồng.
Để sản xuất ra các sản phẩm đóng hộp Công ty trang bị hệ thống lò hơi đốt than có quy mô lớn phục vụ cho phân xưởng đóng hộp và phân xưởng nước quả. Do việc bố trí lò hơi khá xa các bộ phận sản xuất khác nên đường ống phân phối hơi dài, tổn thất nhiệt năng đáng kể. Với việc bảo ôn lại toàn bộ hệ thống đường ống phân phối hơi ước tính công ty sẽ tiết kiệm 60 triệu đồng/năm nhờ giảm tiêu thụ khoảng 24 tấn than.
Bên cạnh đó, biện pháp thu hồi hơi đã qua sử dụng tại bộ phận đóng lọ cấp cho bộ phận thanh trùng vừa tiết kiệm nước lại tiết kiệm nước nóng. Giải pháp này giúp tiết kiệm 58 tấn than tương đương 144 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, cũng liên quan đến hệ thống hơi, tiềm năng tiết kiệm nhiên liệu còn tập trung rất lớn ở bộ phận Cô đặc.
Cụ thể bằng các giải pháp như bảo ôn toàn bộ hệ thống đường ống phân phối hơi và đường ống dịch cô đặc, Cải tạo đường ống và hạn chế rò rỉ hơi tại phân xưởng Cô đặc, Thu hồi nước ngưng tại bộ phận Cô đặc cấp cho bộ phận thanh trùng của phân xưởng đồ hộp doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 260 triệu đồng/năm. Mức tiết kiệm đó có được từ việc giảm tiêu hao khoảng 48 tấn than và trên 19 tấn dầu. Dự tính mức đầu tư ban đầu là trên 360 triệu đồng cho 3 giải pháp kể trên.
Nếu thực hiện lắp biến tần cho hệ thống bơm cấp nước sản xuất và cho động cơ máy nén lạnh công ty sẽ tiết kiệm khoảng 110 triệu đồng/năm. Trong đó, việc lắp biến tần điều chỉnh hoạt động chơ 2 bơm cấp nước 15 kW hiện có tiết kiệm 18 nghìn Kwh tương đương trên 21 triệu đồng. Với 2 động vơ máy nén lạnh công suất 55Kw và 100Kw, tiềm năng tiết kiệm là 76 nghìn Kwh tương đương 88 triệu đồng. Sau khi lắp đặt biến tần động cơ sẽ được điều chỉnh hoạt động theo yêu cầu của phụ tải đồng thời giúp nâng cao tuổi thọ thiết bị.
Một giải pháp khác Nhóm kiểm toán năng lượng khuyến khích Ban lãnh đạo DOVECO nên xem xét đầu tư đó là thay thế lò hơi sử dụng nhiên liệu dầu DO 3 tấn/h bằng lò sử dụng nhiên liệu than cám công suất 4 tấn/h. Giải pháp này mang lại mức tiết kiệm trên 2,2 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó thời gian hoàn vốn được tính toán là chỉ sau khoảng 7 tháng.
Anh Hoàng Quân, trưởng nhóm kiểm toán, Trung tâm TKNL Hà Nội phân tích, việc sử dụng dầu DO trong thời buổi giá dầu cao sẽ khiến chi phí năng lượng của nhà máy tăng cao. Sử dụng lò hơi đốt than dùng ghi xích tự động sẽ giảm chi phí nhiên liệu chỉ còn 1/6, giảm được tối đa nhiệt lượng tổn thất. Mặc dù có một số hạn chế như hệ thống lò đốt than có độ trễ phụ tải cao, có ảnh hưởng đến dây chuyền công nghệ, so với lò đốt dầu thì lò đốt than có tính tự động hóa thấp hơn tuy nhiên xét về lợi ích kinh tế với mục đích giảm chi phí năng lượng thì đây được coi là biện pháp khả quan.
Kết thúc thời gian thực hiện kiểm toán năng lượng, anh Hoàng Quân nhấn mạnh, thực hiện kiểm toán năng lượng mới chỉ là một khâu trong toàn bộ qui trình quản lý năng lượng. Để việc thực hiện hiệu quả năng lượng đem lại kết quả tốt doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn. Ngoài các giải pháp kỹ thuật đã đề xuất, bản than doanh nghiệp cần chủ động, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong hoạt động sản xuất đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên.
Trần Liễu