Ngày 19.11, Bộ Công Thương với sự trợ giúp của Chính phủ CHLB Đức thông qua Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) và Cơ quan Năng lượng Đức đã đưa vào sử dụng hệ thống pin mặt trời nối lưới trên nóc trụ sở bộ.
Công trình sẽ giúp tiết kiệm khoảng 12 triệu đồng tiền điện/năm. Sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo được xem là giải pháp căn cơ cho nhu cầu năng lượng gia tăng tại VN.
Vẫn ở dạng tiềm năng
Ông Lê Tuấn Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) - nhận định:
VN có tiềm năng lớn về hầu hết các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) để sản xuất
năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên và không gây ô nhiễm môi trường.
Ước tính tổng tiềm năng điện gió của VN vào khoảng 513.360MW - gấp khoảng 200 lần công suất của thuỷ điện Sơn La (trong ảnh: Cột điện gió tại đảo Trường Sa Lớn). Ảnh: H.U.Y
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nguồn năng lượng vẫn ở dạng
tiềm năng, do chưa có cơ chế và chính sách giá điện hợp lý để thu hút các nhà
đầu tư. Nguồn năng lượng tái tạo rẻ nhất là thuỷ điện nhỏ và thủy điện, nếu có
quy hoạch tốt, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch và quy trình vận
hành, thì sẽ là nguồn năng lượng dồi dào, kinh tế. Thủy điện nhỏ được quy hoạch
khoảng 4.000MW, nhưng mới có tổng công suất lắp đặt khoảng 500MW.
Sau thuỷ điện là các nguồn biomas (bã mía, trấu - phụ phẩm nông nghiệp), hiện đã có trên 150MW điện sản xuất từ bã mía, cấp nhiệt cho nhu cầu sản xuất đường. Tiếp theo là điện gió. Thống kê từ Ngân hàng Thế giới cho biết, ước tính tổng tiềm năng điện gió của VN vào khoảng 513.360MW - gấp khoảng 200 lần công suất của thủy điện Sơn La (240MW) và 10 lần tổng công suất điện quốc gia dự tính cho năm 2020.
Điện gió được xếp hạng giá thành rẻ thứ ba - sau thủy điện nhỏ và biomas, nhưng giá phát điện gió theo tính toán cũng lên tới 10UScent/kWh, trong khi giá bán điện của EVN hiện là khoảng 5,3-5,4UScent/kWh. Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định là địa phương thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió, với tổng công suất các nhà máy đã đăng ký lên đến xấp xỉ 3.000MW.
Tuy nhiên, do giá thành cao, nhà đầu tư vẫn đang chờ Chính
phủ cơ chế “bật đèn xanh"... Nguồn năng lượng tiềm năng nữa là điện mặt
trời. Ở VN, pin mặt trời được ứng dụng để đáp ứng nhu cầu về điện cho các hộ
gia đình ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, hải đảo - những nơi mà lưới
điện quốc gia không phủ tới. Tuy thế thì việc ứng dụng này rất hãn hữu vì giá điện
mặt trời ở mức rất cao.
Nhà nước bù giá hay người dân chi trả?
Mục tiêu đến 2020, NLTT phải đạt khoảng 5% sản lượng sơ cấp và đến năm 2050 đạt
11%. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước
phải đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, đặc biệt
là cơ chế giá. GĐ Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch Nguyễn
Đức Cường quả quyết: Hiện tại, giá điện bình quân mà EVN bán đến người sử dụng
trong nước là khoảng 5,3-5,4 cent/kWh.
Trong khi đó, NLTT như điện gió giá trung bình khoảng 10 cent/kWh, vì vậy, ai sẽ trả cho mức tăng thêm giữa giá bán và giá mua? Bên cạnh đó, giá điện tại VN vẫn do Nhà nước quy định, chưa tiệm cận giá thị trường nên vẫn ở mức thấp. Chênh lệch giữa giá điện trong nước với giá đầu tư NLTT, vì thế đang ở mức cao. Vấn đề đặt ra là Chính phủ trích ngân sách để trả tiền cho mức tăng thêm hay là người sử dụng chi trả? Ông Cường cũng nhấn mạnh, ngân sách nhà nước không nhiều nên giải pháp trích ngân sách để trả cho mức tăng thêm này là không khả thi.
Ông Lê Tuấn Phong - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết: Bộ Công Thương đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch và dự thảo phát triển NLTT theo hướng hỗ trợ các chủ đầu tư khi phát triển dự án NLTT để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá thành, đồng thời có cơ chế như giảm giá thành nguyên vật liệu, giảm lãi suất vay ngân hàng, khuyến khích chủ đầu tư nghiên cứu sản xuất thiết bị trong nước, thay vì NK của nước ngoài để giảm giá thành. Bộ Công Thương cũng nghiên cứu, cân nhắc xem NLTT nào nên phát triển trước để phù hợp với sự phát triển KT-XH và thu nhập, cũng như mức độ chi trả của người dân.
Theo Lao Động