Viện khoa học quốc gia Australia đang phối hợp cùng với các trường đại học hàng đầu trong một dự án nghiên cứu trị giá 8,3 triệu dolla Australia(178 tỷ VND) sử dụng enzim sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây khô.
Dự án nằm trong kế hoạch của Nhóm năng lượng chuyển đổi thuộc Tổ chức nghiên cứu Khoa học & Công nghiệp nhằm tìm kiếm cách thức hữu hiệu dùng cây khô sản xuất năng lượng bền vững cung cấp cho xe hơi, xe tải, thậm chí máy bay.
Nhóm sẽ sử dụng công nghệ sinh học enzim để phát triển các loại nhiên liệu phục vụ giao thông trong tương lai một cách bền vững hơn bằng việc cải tiến sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ thứ 2.
Việc sử dụng rộng rãi nguyên liệu sinh học làm từ chất thải đem lại hai lợi ích- thứ nhất cho phép sử dụng các bon trung tính làm nhiên liệu cho ngành giao thông, thứ 2 khuyến khích trồng cây lương thực.
Nhiên liệu sinh học được xem như các bon trung tính bởi vì lượng các bon tạo ra khi sử dụng cân bằng với lượng các bon hấp thụ trong quá trình sản xuất. Trong trường hợp sản xuất nhiên liệu sinh học từ thực vật, cây trồng sẽ hấp thụ và dự trữ khí CO2 làm giảm tác động của con người vào sự nóng lên của trái đất.
Việc tăng sử dụng nguyên liệu sinh học cũng sẽ giúp tăng sản lượng dự trữ các loại lương thực như ngô, mía đường, lúa mì và làm giảm bớt những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực.
Giáo sư Chris Easton, Đại học Quốc gia Australia phát biểu: “Sử dụng nguyên liệu thực vật từng bị coi là chất thải, nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai được tạo ra bằng cách áp dụng quy trình công nghệ sinh học enzyme là một giải pháp thay thế cho việc sử dụng xăng dầu trong ngành giao thông.”
Theo báo cáo, các thành viên nhóm nghiên cứu đã xác định được các enzim có triển vọng cùng nguồn sản xuất enzim và đang tìm cách cải tiến, sản xuất chúng trên diện rộng để có thể ứng dụng nguồn nhiên liệu này trong tương lai.
Hoàng Lan (theo www.ecoseed.org)