[In trang]
Úc công bố dự án điện than đá - mặt trời nhất thế giới
Thứ năm, 28/04/2011 - 10:22
Thủ tướng Úc Julia Gillard đã công bố phê chuẩn dự án trị giá 104.7 triệu đôla để đưa năng lượng mặt trời vào nhà máy sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Queensland. Nhà máy điện Kogan Creek công suất 750 megawatt, sản xuất điện từ than, đặt tại phía Tây Nam Queensland sẽ tiếp nhận thêm hệ thống nhiệt mặt trời công suất 44MW vào lưới điện, đưa nó trở thành dự án lớn nhất thế giới ở dạng này.

Thủ tướng Úc Julia Gillard đã công bố phê chuẩn dự án trị giá 104.7 triệu đôla để đưa năng lượng mặt trời vào nhà máy sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Queensland.

 

Nhà máy điện Kogan Creek công suất 750 megawatt, sản xuất điện từ than, đặt tại phía Tây Nam Queensland sẽ tiếp nhận thêm hệ thống nhiệt mặt trời công suất 44MW vào lưới điện, đưa nó trở thành dự án lớn nhất thế giới ở dạng này.


 solar.coal plant.jpg


Dự án có tên Kogan Creek Solar Boost, sử dụng công nghệ điện mặt trời tập trung từ hãng Areva Solar (Pháp) nhằm biến đổi năng lượng mặt trời thành dòng hơi cực nóng, và cùng với hơi từ hoạt động đốt than để phục vụ việc quay các tuabin của nhà máy. Areva Solar đã mua công nghệ mặt trời Compact Linear Fresnel Reflector (CLFR) từ hãng Ausra của Úc hồi năm ngoái.

 

Nhà máy sản xuất điện từ than đá và năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới có tên là Cameo Station đã được mở cửa tháng Bảy năm ngoái tại Colarado, Mỹ. Dự án trị giá 4.5 triệu đôla này được chứng minh là sử dụng công nghệ mặt trời tập trung khác biệt so với công nghệ của Areva khi nó dựa trên cơ sở các máng mặt trời. Khí carbon phát thải được dự đoán là sẽ giảm khoảng 2 đến 5%, mặc dù mục tiêu hướng tới là 10%.

 

Kogan Creek Power Station thuộc quyền sở hữu của CS Energy, tập đoàn nhà nước tại Queensland. Tập đoàn này cũng sở hữu và vận hành 4 nhà máy điện tại Queensland.

 

Chủ tịch hội đồng quản trị Cs Energy, ông David Brown nói: “Kogan Creek Power Station là một trong những nhà máy điện lớn nhất và hiệu quả nhất trong thị trường điện lực Úc. Bằng cách lấy năng lượng từ mặt trời, chúng tôi sẽ tăng công suất của nhà máy để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của nó và giảm cường độ hiệu ứng nhà kính – giảm được 35,600 tấn khí gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm.

 

Ông cho biết thêm: “Nói đơn giản thì với cùng một lượng than đá, việc đưa năng lượng mặt trời vào sử dụng thêm sẽ giúp Kogan Creek Power Station sản xuất được nhiều điện năng hơn”.

 

Công nghệ nhiệt mặt trời sẽ cung cấp thêm đủ lượng năng lượng cho 5,000 hộ gia đình Úc mỗi năm. Lượng phát thải cắt giảm được tương đương với lượng phát thải của 11,000 ô tô hàng năm.

 

Dự án điện mặt trời kết hợp than đá sẽ được khởi công xây dựng vào nửa đầu năm 2011 và hoàn thành năm 2013.

 

CS Energy sẽ tài trợ 70 triệu đôla cho dự án, trong đó có 1 khoản hỗ trợ trị giá 35.4 triệu đôla từ chính phủ Queensland từ nguồn của Chương trình cắt giảm carbon của CS Energy. Chương trình hướng dẫn năng lượng tái tạo của chính phủ Úc cũng tài trợ trên 34 tỉ đôla cho dự án.

 

Trước tình hình thuế carbon chuẩn bị được ban hành vào tháng 7 năm 2012, các công ty điện lực của Úc vẫn đang chờ xem quyết định này sẽ có ảnh hưởng cụ thể như thế nào tới nền kinh tế của họ. Theo tờ The Sydney Morning Herald hồi tháng trước, Ông Ross Garnaut, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của chính phủ Úc cho biết những nơi sản xuất điện bằng than đá sẽ không còn cần tới các khoản đền bù, nhưng chính phủ cũng có khả năng sẽ chi trả các khoản bồi thường để ngăn chặn tình trạng mất việc và đóng cửa các nhà máy.

 

Cho dù có bồi thường hay không thì các công ty điện lực cũng tìm cách để tăng mức sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm những tổn thất do thuế carbon gây ra.

 

Ông Brown nói: “Đối với CS Energy, những dự án như thế này là rất cần thiết để tiến tới tương lai ít carbon và tạo dựng công suất của ngành công nghiệp mặt trời Úc một cách thành công”.

 

Lê My (theo eco-business.com)