Năm 2004, nhà máy đường Lam Sơn (nay là công ty cổ phần đường
Lam Sơn – LLS) là đơn vị đầu tiên trong ngành đường đầu tư 10 triệu USD xây dựng
nhà máy sản xuất cồn từ phụ phẩm bã mía và mật gỉ. Với công suất ép mía 85.000
tấn, mỗi năm nhà máy này sản xuất ra khoảng 20 triệu lít cồn, mang lại doanh
thu hàng trăm tỉ đồng, góp phần làm giảm đáng kể giá thành đường cho LLS.
Theo ông Lê Văn Tam, chủ tịch hội đồng quản trị LLS, niên vụ 2010 – 2011, doanh thu từ cồn của LLS đạt trên dưới 300 tỉ đồng, chiếm 9,6% tổng doanh thu.
Với 24 triệu tấn mía vào năm 2020, đủ để phát điện đáp ứng 10% nhu cầu điện cả nước
Tuy nhiên, ông Tam thẳng thắn nói rằng giá trị thu về còn quá thấp, chưa tương xứng với số tiền đầu tư: 300 tỉ đồng doanh thu từ cồn, chi phí xử lý môi trường đã hơn 100 tỉ.
Tiếp sau LLS còn có thêm nhà máy đường Quảng Ngãi, nhà máy đường Tuy Hoà, nhà máy đường Hiệp Hoà đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào công nghệ nấu cồn. Nhưng, cũng như LLS, giá trị thu từ sản phẩm phụ không đủ bù đắp chi phí, một số nhà máy như Quảng Ngãi, Hiệp Hoà đã phải ngưng hoặc chạy cầm chừng.
Trên cương vị chủ tịch hiệp hội Mía đường, đồng thời quản lý trực tiếp nhà máy đường Cần Thơ, ông Nguyễn Thành Long thừa nhận đây là sự yếu kém của ngành đường Việt Nam. Theo ông Long, thông thường, các sản phẩm phụ thu từ hoạt động chế biến đường gồm có bã mía (chiếm 25 – 30% trọng lượng mía đem ép), mật gỉ (chiếm 3 – 5%), bùn lọc (1,5 – 3%). Số phụ phẩm này, nếu đầu tư bài bản, sẽ mang lại giá trị cao hơn sản phẩm chính là đường.
Chẳng hạn như bã mía dùng làm nguyên liệu đốt lò tạo ra năng lượng điện, làm bột giấy, ép thành ván dùng trong kiến trúc; mật gỉ cho lên men sản xuất cồn ethanol; bùn lọc sản xuất phân bón cải tạo đất trồng mía… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nhà máy đường mới chỉ khai thác giá trị từ các sản phẩm phụ như bán điện, mật gỉ, cồn…chưa đến 10%.
Cần cơ chế của ngành năng lượng tái tạo
Ở các nước có ngành mía đường phát triển như Brazil, theo ông Nguyễn Thành Long, họ quan niệm sản xuất mía đường là ngành năng lượng chứ không đơn thuần là ngành thực phẩm như Việt Nam. Do đó, họ có các chính sách ưu đãi nhằm khai thác hết giá trị phụ phẩm đi kèm như bã mía, mật gỉ tái tạo ra năng lượng điện, cồn pha chế trong xăng.
Vốn đầu tư cho các nhà máy phát điện từ bã mía dao động từ 1.000 – 2.000 USD cho mỗi kW lắp đặt (tuỳ theo mức độ tiên tiến của công nghệ và xuất xứ). Chẳng hạn một nhà máy mía công suất 3.000 tấn/ngày sẽ có tiềm năng lắp đặt nhà máy điện 30MW và cần vốn đầu tư từ 30 – 60 triệu USD.
|
Ông Lê Văn Tam cho biết, cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa
hình thành khung pháp lý về yêu cầu bắt buộc tỷ lệ sử dụng xăng sinh học (sản
xuất từ cồn) trong nhiên liệu. Tình trạng này khiến đầu ra hơn 20 triệu lít cồn
thu được hàng năm thường thấp và không ổn định. Do vậy, việc bỏ hàng trăm tỉ đồng
đầu tư như LLS hay các doanh nghiệp khác đã không mang lại hiệu quả.
Tương tự như vậy là giá điện mà tập đoàn điện lực Việt Nam
(EVN) đang mua của các nhà máy đường hiện nay, theo một số ý kiến, cũng chưa hợp
lý.
Ông Nguyễn Văn Lộc, tổng giám đốc công ty cổ phần đường Biên
Hoà cho biết, tất cả các quốc gia trồng mía trên thế giới đều xem năng lượng từ
bã mía là một dạng năng lượng tái tạo, và đã có hành lang pháp lý chi tiết và
chương trình đầu tư phát triển cấp nhà nước cho nguồn năng lượng này.
Còn tại Việt Nam, EVN, đơn vị độc quyền trong việc mua điện lại không xem điện từ bã mía là dạng năng lượng tái tạo, từ đó đưa ra mức giá mua quá thấp (chưa đến 4,4 cent/kWh trong khi họ mua của Trung Quốc với giá 7 cent và PVN 9 cent/kWh) nên không khuyến khích các nhà máy đường đầu tư, nâng cấp thiết bị.
“Trong quy hoạch phát triển nguồn điện 2006 – 2015 có xét đến triển vọng 2025, ngành điện cũng không hề đề cập gì đến nguồn năng lượng tái tạo các nhà máy đường”, ông Lộc nói thêm.
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, hiệp hội Mía đường
Việt Nam tính toán, nếu đầu tư đúng hướng vào công nghệ lò hơi turbine cao áp,
thì cứ mỗi tấn mía chế biến sẽ sản sinh ra ít nhất 100kWh thặng dư điện phát ra
lưới (sau khi đã cung ứng đủ năng lượng cần thiết cho dây chuyền chế biến đường).
Với cách tính này, tiềm năng của nguồn điện từ năng lượng tái tạo bã mía nếu đầu tư áp dụng công nghệ mới tại 40 nhà máy đường sẽ cho ra 1.950MW năm 2010 và 2.400MW vào năm 2020, đáp ứng gần 10% nguồn phát điện cho đất nước.