[In trang]
Châu Á nên đầu tư lớn vào năng lượng tái sinh
Thứ ba, 28/06/2011 - 09:30
Chủ tịch ADB cho rằng nếu tiêu dùng năng lượng không được kiềm chế, thiếu an ninh năng lượng sẽ đảo ngược các thành quả mà châu Á đã phải phấn đấu quyết liệt mới dành được trong cuộc chiến chống đói nghèo. Chìa khoá để giảm sức ép về năng lượng là loại trừ trợ cấp nhiên liệu hoá thạch và chuyển mạnh sang năng lượng tái sinh. Phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch sẽ làm tăng mối đe dọa biến đổi khí hậu và hàng chục triệu người nghèo và dễ tổn thương của châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị tác động do thảm họa tự nhiên, thiếu nước sạch và lương thực.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda vừa kêu gọi các nước châu Á thực hiện các biện pháp quyết liệt để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đầu tư lớn hơn vào năng lượng tái sinh trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện.


tai sinh.jpg


Phát biểu khai mạc Diễn đàn năng lượng sạch châu Á lần thứ 6 tại thủ đô Manila của Philippines ngày 22/6, ông Kuroda cảnh báo châu Á sẽ chịu tổn thất lớn nhất so với các châu lục khác do tác động của biến đổi khí hậu. 


Tuy nhiên, thắng hoặc thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào quyết định hành động của chính người châu Á. Tăng trưởng kinh tế mạnh cùng với tốc độ tăng dân số nhanh của châu Á- Thái Bình Dương đã làm nhu cầu năng lượng của châu lục này tăng nhanh nhất thế giới.


ADB dự báo nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, trong đó dầu mỏ chiếm hơn 90% tổng năng lượng nhập khẩu. Nếu mô hình tiêu dùng năng lượng này tiếp tục, nhu cầu năng lượng của châu Á sẽ vượt xa Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2050.
 


Chủ tịch ADB cho rằng nếu tiêu dùng năng lượng không được kiềm chế, thiếu an ninh năng lượng sẽ đảo ngược các thành quả mà châu Á đã phải phấn đấu quyết liệt mới dành được trong cuộc chiến chống đói nghèo. Chìa khoá để giảm sức ép về năng lượng là loại trừ trợ cấp nhiên liệu hoá thạch và chuyển mạnh sang năng lượng tái sinh. Phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch sẽ làm tăng mối đe dọa biến đổi khí hậu và hàng chục triệu người nghèo và dễ tổn thương của châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị tác động do thảm họa tự nhiên, thiếu nước sạch và lương thực.
 


Để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng lên và cải thiện cuộc sống của 800 triệu người châu Á hiện vẫn chưa được sử dụng điện, châu Á cần thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình và chính sách kinh doanh năng lượng mới nhằm phát triển năng lượng sạch. Năm 2010, ADB đã đầu tư 1,76 tỷ USD vào năng lượng sạch và mức đầu tư này sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2013.
 


Ước tính sáng kiến năng lượng Mặt trời châu Á của ADB được phát động năm 2010 sẽ hỗ trợ phát triển 3.000 MW điện Mặt trời vào năm 2013. ADB đã cam kết 60 triệu USD và huy động nguồn vốn tư nhân 400 triệu USD để hỗ trợ ban đầu 3 dự án phát triển công nghệ khí hậu.


Thúy Hằng