[In trang]
Phát triển điện gió tại khu vực miền Trung
Thứ tư, 31/08/2011 - 13:39
Theo Quy hoạch điện VII, tổng công suất nguồn điện gió được phát triển từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỉ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030
Theo Quy hoạch điện VII, tổng công suất nguồn điện gió được phát triển từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỉ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hơn 39% tổng diện tích VN được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m. Hơn 8% diện tích được xếp vào loại có tiềm năng gió rất tốt. Bản tin ĐLMT xin trích giới thiệu một bản tham luận về điện gió tại khu vực miền Trung.

281a5ee84_diengio.jpg

Sử dụng điện năng bằng sức gió không lo hết nhiên liệu; không gây biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính như các nhà máy nhiệt điện chạy than hay dầu FO, DO. Giá nhiên liệu hóa thạch tăng liên tục trong các năm qua, trữ lượng dầu mỏ trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, điện gió đang được nhìn nhận như một hướng phát triển năng lượng bổ sung đầy triển vọng.

Đối với khu vực miền Trung Việt Nam, năng lượng điện chạy bằng sức gió cũng đã được nghiên cứu triển khai ở một số khu vực. Tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… nhiều dự án qui mô lớn đang được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành, có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển điện gió được Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt. Bài viết này chỉ đề cập giới hạn một số dự án điện gió có qui mô vừa và nhỏ trên địa bàn Tổng Công ty Điện lực miền Trung thực hiện nhiệm vụ phân phối kinh doanh điện năng.

Tại Quảng Nam: Viện Cơ học Việt Nam đã lắp đặt một trạm phát điện năng lượng gió và mặt trời tại Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Đây là trạm phát điện đầu tiên sử dụng bộ nguồn thông minh có thể tự động lựa chọn điện gió hoặc điện mặt trời. Trạm phát điện này có công suất thiết kế là 1.500W, lắp đặt ở độ cao 10-15 m. Theo khảo sát của Viện Cơ học, vận tốc gió ở Cù Lao Chàm trung bình là 9-10m/s, rất thuận lợi cho việc xây dựng các trạm phát điện sử dụng năng lượng gió. Cù Lao Chàm đang phát triển tiềm năng du lịch và Viện Cơ học cho biết nếu có thể, sẽ tiếp tục xây dựng các trạm điện sử dụng năng lượng gió nâng công suất lên 600kW sẽ rất thuận lợi cho nhân dân trên đảo phát triển kinh tế và phục vụ sinh hoạt.

Tại Quảng Ngãi: Nhà máy điện gió dự kiến được đặt ở huyện đảo Lý Sơn, có kết hợp máy phát điện diesel hiện hữu với tổng công suất 7MW, tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 được thực hiện trong hai năm có công suất 2,5 MW, vốn đầu tư 80 tỷ đồng cung cấp cho 4.000 hộ dân với gần 20.000 nhân khẩu. Giai đoạn 2 nâng công suất lên 5MW thực hiện trong 3 năm và giai đoạn 3 sẽ nâng công suất lên 7MW. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân dự án đến nay vẫn chưa được triển khai.

Tại Bình Định, kết quả khảo sát cho thấy đây là một trong những tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng gió rất lớn và đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện gió. Thông thường, với trình độ công nghệ tiên tiến hiện nay chỉ cần sức gió 3m/s là các tuabin đã vận hành phát điện; trong khi đó ở nhiều vùng tại Bình Định với độ cao 40m đã có sức gió trung bình 6,2m/s. Hiện nay, hai dự án điện gió đang triển khai ở Bình Định đều có tuabin cao 80m, sức gió sẽ cao hơn nhiều nên điều kiện vận hành sẽ tốt hơn.

Dự án nhà máy điện gió Phương Mai 3 do Công ty cổ phần điện gió Miền Trung làm chủ đầu tư có tổng công suất 21MW với 14 trụ tuabin phát điện, mỗi tuabin có công suất 1,5MW; xây dựng trên diện tích 140ha trên bán đảo Phương Mai thuộc khu kinh tế Nhơn Hội, có tổng mức đầu tư 575 tỉ đồng. Với công suất này, Nhà máy Điện gió Phương Mai 3 sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia trên địa bàn Bình Định sản lượng điện 55 triệu kWh/năm.

Nhà máy đặt tại khu vực phía Bắc bán đảo Phương Mai (còn gọi là Phước Mai). Khuôn viên Nhà máy và bãi đặt động cơ gió được bố trí trên toàn bộ đồi cát thuộc 2 xã Cát Tiến và Cát Chánh. Đây là vị trí đắc địa và lý tưởng nhất, bởi qua khảo sát địa hình phía Bắc bán đảo Phương Mai có dãy Núi Bà mà đỉnh cao nhất đạt 609m có tác dụng như một tấm bình phong hướng luồng gió vào đất liền. Ngoài địa hình, qua khảo sát về chế độ và tốc độ gió cho thấy, Nhà máy sẽ hứng được 2 hướng gió chủ đạo quanh năm: Hướng gió Đông Bắc thuộc thời kỳ gió mùa – mùa đông và hướng gió Tây Nam thuộc thời kỳ gió mùa- mùa hè. Với chế độ gió qua khảo sát được trên địa bàn thì từ 10 giờ đến 21 giờ, tốc độ gió cao hơn thời gian từ 22 giờ đến 9 giờ trong ngày. Do đó,việc phát điện của Nhà máy Điện gió Phương Mai 3 sẽ góp phần đáp ứng được cao điểm sử dụng điện của địa phương.

Dự án nhà máy phong điện Phương Mai 1 do Công ty cổ phần phong điện Phương Mai làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích gần 142ha cũng trên bán đảo Phương Mai, có tổng công suất 30MW với 12 trụ tuabin phát điện, mỗi tuabin có công suất 2,5MW. Trong quá trình hoạt động, các tuabine sẽ phát điện với điện áp 0,4kV, sau đó đưa về nhà phân phối, nâng cấp điện áp lên 22kV và đấu nối vào lưới điện 110kV khu vực. Toàn nhà máy phong điện Phương Mai 1 được chia thành hai khu chức năng chính gồm khu sản xuất, phân phối điện và khu phụ trợ. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 880 tỉ đồng, dự kiến phát điện thương mại tổ máy đầu tiên trong năm 2012.

Ngoài ra, trên đỉnh dãy núi Phương Mai dài 12km, rộng trung bình 0,8km, mới đây UBND tỉnh Bình Định cũng đã chấp thuận cho công ty TNHH Nguyễn Gia nghiên cứu, khảo sát để lập dự án đầu tư với công suất dự kiến 120 – 180MW. Ý kiến một số chuyên gia cho biết, trên địa bàn Bình Định còn nhiều khu vực có tiềm năng phát triển điện gió như ven biển, cụ thể là những vị trí thích hợp thuộc khu du lịch Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, có thể kéo dài về phía bắc của tỉnh hoặc dọc đường Quy Nhơn – Sông Cầu phía Nam thành phố Quy Nhơn.

Tại Khánh Hòa: Viện Năng lượng đang chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi cho những trang trại năng lượng gió quy mô lớn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tổ chức Ventis của Đức đã thảo luận để xây dựng một trang trại theo hình thức chìa khóa trao tay. Ngoài ra còn có một dự án điện gió khác tại Khánh Hòa, đó là Dự án nhà máy điện gió Tu Bông – Khánh Hoà 1. Đây là dự án B.O.T trong thời gian 20 năm của VENTIS-CHLB Đức. Địa điểm đặt nhà máy trên đồi cát tại gần chân đèo Cả, thuộc khu vực Tu Bông, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.

Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360 MWh/năm. Việt Nam có khoảng 17.400 héc ta đất và mặt biển rất thích hợp cho các dự án, công trình phát triển năng lượng gió. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết cả nước hiện mới có 42 dự án điện gió - tập trung chủ yếu tại 12 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với tổng công suất của các dự án là 3.906 MW. Trong đó, 1/3 số dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như Đức, Canada , Thụy Sĩ, Argentina… nhưng việc đầu tư còn triển khai chậm và mang tính thăm dò. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu liên quan đến giá điện. Gần đây, việc ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6.2011 của Thủ tướng Chính phủ là một bước tiến lớn để tháo gỡ vấn đề này, trong đó quy định giá mua điện của EVN đối với điện từ năng lượng gió là 7,8 cent/kWh, trong đó Nhà nước trợ giá 1 cent/kWh, lấy từ quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng, mức giá này vẫn chưa thể đảm bảo để các nhà máy điện gió hoạt động, bởi giá thành sản xuất 1 kWh điện gió đã lên tới 10 – 12 cent/kWh. Ngược lại, với giá mua điện 6,8cent/kWh cũng gây không ít khó khăn cho việc cân bằng tài chính của ngành điện do với giá này vẫn còn cao hơn nhiều so với giá bán bình quân năm 2011 của một số Công ty Điện lực trong khu vực. Ngòai ra, tình hình thời tiết khu vực miền Trung hằng năm đều có những cơn bão nhiệt đới với qui mô vừa và lớn cũng khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc lựa chọn công nghệ và có thiết kế phù hợp cho các nhà máy điện gió trong khu vực.

Từ những kết quả nghiên cứu, khảo sát rất lạc quan về tiềm năng điện gió Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng, từ những mục tiêu đã được xác định tại Quy hoạch điện VII về việc đa dạng hoá cơ cấu nguồn điện theo hướng nâng cao tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo, rất cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước để chủ trương này đi vào thực tiễn, được hiện thực hóa trong sự tương quan hài hòa giữa nhiều mối quan hệ: an ninh năng lượng quốc gia - quyền lợi của khách hàng - hiệu quả của nhà đầu tư - cân đối tài chính của Tổng công ty điện lực.

Nguyễn Thành
Tổng công ty Điện lực miền Trung