[In trang]
Thế giới đã thực sự cần tới những chiếc xe điện?
Thứ tư, 09/11/2011 - 14:38
Có thể bộ tăng áp vẫn còn là cái tên khá xa lạ trong ngành công nghệ “xanh,” nhưng thiết bị này đã giúp nâng mức độ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 40% và hiện có tới 75% số ôtô mới tại châu Âu sử dụng công nghệ này. Con số này có thể lên tới 90% vào năm 2015.
Trong cuộc chiến chống khí thải cácbon toàn cầu vài năm gần đây, các nhà sản xuất ôtô đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy hiệu quả sử dụng nhiên liệu của động cơ đốt trong nhờ những cải tiến như bộ tăng áp..

Bộ tăng áp (Turbocharger) là một quạt gió ly tâm được dẫn động thông qua tuốcbin sử dụng dòng khí xả của động cơ, được dùng để tăng áp dòng khí nạp cho động cơ. Có thể bộ tăng áp vẫn còn là cái tên khá xa lạ trong ngành công nghệ “xanh,” nhưng thiết bị này đã giúp nâng mức độ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 40% và hiện có tới 75% số ôtô mới tại châu Âu sử dụng công nghệ này. Con số này có thể lên tới 90% vào năm 2015.

2b9dc3d6b_xe_dien.jpg

Tuy nhiên, thiết bị này lại ít phổ biến hơn tại Mỹ, chủ yếu là do người Mỹ không mấy thiện cảm đối với những chiếc xe chạy bằng diesel. Nhưng quan điểm của họ có thể sớm thay đổi trong một kỷ nguyên mà các chính sách tiết kiệm nhiên liệu được thực hiện nghiêm ngặt.

Một chiếc xe chạy bằng diesel được gắn thêm bộ tăng áp có thể đi xa hơn 40% quãng đường so với những chiếc xe không sử dụng thiết bị này, trong khi đối với chiếc xe chạy bằng xăng thì con số này là 20%..

Ông Balis nói: "Quy định phát thải tại châu Âu, Mỹ và các khu vực khác trên toàn thế giới là một động lực để các loại xe “xanh và sạch” phát triển mạnh và đó là cơ hội tuyệt vời để các bộ tăng áp phát huy tác dụng của nó. Chúng tôi tin tưởng vào sự cải tiến liên tục của các động cơ đốt trong và vai trò ngày càng gia tăng của bộ tăng áp.”

Tại Triển lãm ôtô Frankfurt (Đức) 2011, các hãng sản xuất ôtô trên thế giới đã tỏ ra quan tâm hơn đối với các mẫu xe điện và xe ít khí thải, khi mà rất nhiều nhà sản xuất xe hơi giới thiệu các mẫu xe và kế hoạch điện khí hóa.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp và nhiều chuyên gia phân tích cho rằng xe điện sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường ôtô toàn cầu vào năm 2020, do chi phí pin tăng cao, các vấn đề cơ sở hạ tầng, những lo ngại về lượng khí thải cácbon do việc sử dụng xe điện gián tiếp gây ra, khi mà nguồn điện để sạc vẫn được phát từ các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Chuyên gia phân tích, Christoph Stuermer thuộc viện nghiên cứu IHS Global Insight nói: "Người tiêu dùng ngây thơ khi nghĩ rằng họ chỉ việc ra cửa hàng mua một chiếc ôtô điện. Mọi người muốn sử dụng những chiếc xe điện, nhưng thực tế là họ vẫn chưa sẵn sàng khi một thị trường xe điện phổ biến."

Nhà hoạch định chính sách thuộc Nhóm vận động hành lang về bảo vệ môi trường và giao thông vận tải tại Brussels, Pierre Gaudillat cho biết bộ tuốcbin tăng áp không phải là "viên đạn bạc" trong cuộc chiến chống khí thải CO2, song ông đồng ý rằng đây là một thiết bị quan trọng để giảm lượng khí thải.

Ông nhấn mạnh rằng bộ tăng áp là một trong những biện pháp chứ không phải là giải pháp cho vấn đề khí thải. Đây là một trong những chiến lược chính mà các hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới đang sử dụng nhằm nâng cao công suất của động cơ, chất lượng sạch của khí xả, mà không cần thay đổi nhiều về cấu trúc động cơ.

Vậy thế giới có thực sự cần tới xe điện nếu chỉ xét tới việc giảm khí thải CO2? Ông Gaudillat nói: “Đó là một câu hỏi hợp lý.” Ông cho rằng câu trả lời có lẽ là không, khi mà bộ tăng áp đang trở thành là một lựa chọn khôn ngoan trong nỗ lực cắt giảm khí thải CO2, bởi hiệu quả thực sự đáng kể của thiết bị này. Có lẽ chúng ta chưa cần sử dụng những chiếc xe điện cho tới năm 2030 hoặc 2050, và cũng không thể tính được lượng khí thải CO2 mà những chiếc xe này cắt giảm được.

Hiện nay, cứ 10 chiếc ôtô mới, có tới 4 chiếc sử dụng bộ tăng áp của Honeywell, tập đoàn hàng đầu thế giới trong ngành sản xuất và các giải pháp công nghệ tự động hóa, giúp gia tăng tính tiết kiệm nhiên liệu cho các dòng xe của các hãng sản xuất ôtô danh tiếng như BMW, Volkswagen, Renault, Porsche, Chevrolet, Fiat, Ford, Mercedes và Opel.

Theo ông Balis, Chevrolet Cruze, một mẫu xe sedan bốn cửa, chính là ví dụ điển hình cho thấy làm cách nào mà các bộ tăng áp giúp cung cấp đủ năng lượng cho một động cơ nhỏ 1,4lít, giúp nó thu hút người tiêu dùng. Hiện chỉ có khoảng 10% số ôtô mới của Mỹ sử dụng bộ tăng áp, nhưng con số này được dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi trong 5 năm tới.

Ông Balis cho biết Chevy Cruze là loại xe phổ biến tại Mỹ, nhưng một vài năm trước đây, người ta không thể tưởng tượng được một động cơ nhỏ như vậy có thể được sử dụng trên một chiếc xe hơi tại Mỹ, bây giờ thì điều đó đang diễn ra, nhờ có bộ tăng áp và thiết bị này đã hoạt động rất tốt.

Giám đốc bộ phận chiến lược tiếp thị của Honeywell, Luca Zerbini cho hay chỉ với giá vài trăm euro, bộ tăng áp đã tính cả các chi phí phụ trội trong việc tiết kiệm nhiên liệu trong vòng 18 tháng.

Như ông Balis đã nói về khả năng cắt giảm khí thải của các bộ tăng áp trong thập kỷ tới, câu hỏi đặt ra là liệu khả năng tiết kiệm nhiên liệu của các thiết bị tăng áp này có bằng những chiếc xe điện hay không.

Ông nói: "Nếu tính tổng lượng khí thải CO2 mà các bộ tăng áp cắt giảm được, bạn sẽ nhận ra rằng động cơ đốt trong tệ đến vậy và chúng còn hoạt động hiệu quả hơn nữa với sự trợ giúp của bộ tăng áp, một công nghệ mang tính cạnh tranh cao và sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong một thời gian dài. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng để đạt được điều này còn phải mất một thời gian dài.".

Theo TTXVN