[In trang]
Sấy cà phê nhờ máy sấy năng lượng mặt trời
Thứ hai, 07/11/2011 - 10:50
Máy sấy dùng năng lượng mặt trời do TS Mai Thanh Phong, ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu và chế tạo
Máy sấy do TS Mai Thanh Phong (ĐH Bách khoa TP.HCM) chế tạo dùng năng lượng mặt trời để sấy nông, hải sản. Sấy một mẻ cà phê 200kg mất 2 ngày. Đã có một doanh nghiệp ở Phú Quốc đặt hàng.

Ông Trịnh Công Phát, Giám đốc Công ty Sim Sơn, tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang khi nhìn thấy chiếc máy sấy nói trên đã nói ngay: “Tôi quan tâm đến chiếc máy sấy này do Phú Quốc có rất nhiều nắng”.

Không đắt

Trước đó, ông Phát đã mua ba máy dùng điện để sấy dược liệu, hải sản..., nhưng ở một số nơi, đặc biệt vùng đảo, giá điện thường cao nên không kinh tế khi sấy. Để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh cho sản phẩm, chỉ dùng máy sấy mới đảm bảo chất lượng, việc phơi ngoài trời không thích hợp. Theo ông, với giá 200 triệu đồng/máy, có dung tích buồng sấy 200kg cà phê/mẻ thì chiếc máy sấy dùng năng lượng mặt trời (NLMT) không  đắt.

9ead5444a_may_say.jpg

Máy sấy dùng năng lượng mặt trời do TS Mai Thanh Phong, ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu và chế tạo

Nói về ích lợi của máy, TS Mai Thanh Phong cho biết, việc phơi trực tiếp dưới nắng cần có một không gian lớn, phải có người canh chừng lúc trời mưa, dễ bị lẫn tạp chất… Đặc biệt, thời gian để làm khô được nông sản, thực phẩm phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.

Trước đây, một số nhà khoa học, kỹ sư cũng đã có chế tạo máy sử dụng NLMT để sấy, tuy nhiên những chiếc máy sấy này vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm như đòi hỏi không gian sấy; máy khó di chuyển; thời gian sấy kéo dài. Thấy được điều này, TS Mai Thanh Phong cùng cộng sự đã mất 10 tháng nghiên cứu nhằm khắc phục nhược điểm của các loại máy sấy NLMT đã được chế tạo trước đó.

Khả thi

Máy được thay đổi thiết kế, làm mới lại kết cấu. Ngoài chức năng sấy bằng NLMT, máy còn có thể kết hợp với việc sấy bằng nguồn năng lượng sinh khối (biomass). Để sấy được một mẻ cà phê tươi 200kg có độ ẩm ban đầu khoảng 80% xuống còn 12% trong khoảng thời gian 2 ngày.

Nhìn từ bên ngoài, máy có cấu tạo khá đơn giản, gồm các ống thu nhiệt (giống các ống thu nhiệt của máy nước nóng sử dụng NLMT), bồn chứa lưu chất để lưu trữ lại năng lượng mặt trời để phục vụ cho công việc sấy. Bồn này có thể giữ lại năng lượng nóng điều tiết dần và dùng vào lúc không có nắng. Việc trữ được độ nóng lâu mau phụ thuộc vào thể tích của bình trữ và nhiệt độ sấy.

Từ đây, khí nóng sẽ qua buồng trao đổi nhiệt kết hợp với khí từ việc đốt biomass (rác thải, gỗ, chất thải, khí bãi rác, và nhiên liệu cồn...) để vào buồng sấy. Sau đó, một phần khí  sẽ được thoát ra cùng hơi nước, phần còn lại sẽ được tận dụng để tuần hoàn trong việc sấy. TS Mai Thanh Phong cho biết: “Với kết cấu đơn giản, dễ sử dụng, giá thành thấp, chất lượng sản phẩm sau khi sấy tốt hơn phơi nắng… máy sấy sẽ thuyết phục được doanh nghiệp, nông dân sử dụng”.

Theo PGS.TS Phan Đình Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM,  đây là một trong những sản phẩm ứng dụng vào sản xuất mà nhà trường đặt hàng cho giảng viên nghiên cứu.

Theo Đất Việt