[In trang]
Xanh, sạch với bếp điện mặt trời
Thứ bảy, 12/11/2011 - 14:53
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thiết kế và chế tạo bếp đun sử dụng năng lượng mặt trời, đã triển khai và sử dụng có hiệu quả tại xã Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Việt Nam ở vùng nhiệt đới, nằm ở vành đai nội chí tuyến nên tổng số giờ nắng trong năm lớn, ở khu vực miền Trung có khoảng 2.900 giờ nắng, có cường độ bức xạ cao, lên đến 950 W/m2, do đó rất thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Trên cơ sở đó, mới đây, các cán bộ giảng dạy bộ môn hệ thống điện, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã thiết kế và chế tạo bếp đun sử dụng năng lượng mặt trời, đã triển khai và sử dụng có hiệu quả tại xã Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

b8e55b9b5_bep_nl.jpg

Bếp nấu bằng năng lượng mặt trời có rất nhiều loại khác nhau nhưng các nhà khoa học nhận thấy có 2 loại bếp rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, đó là loại bếp hình hộp dùng để nấu cơm, nấu nước và bếp parabol dùng để nấu thức ăn khi cần nhiệt độ cao.

Điểm đặc biệt của bếp này là có thể đặt ở nơi mát để nấu nướng, khắc phục nhược điểm của các bếp sử dụng năng lượng mặt trời khác là phải nấu trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ bếp lúc cao nhất có thể lên đến 300oC. Thực tế, nếu nắng tốt, với 4 lít nước chỉ nấu trong khoảng 25-30 phút, nấu cơm với 3 lon gạo hết 45 phút.

Thông thường nếu ngày nắng bình thường, từ 8 giờ - 9 giờ đến 17 giờ là thời điểm đun nấu tốt nhất. Ngoài khoảng thời gian trên, nhiệt lượng còn lại có thể đun nóng nước để phục vụ sinh hoạt khác hoặc hâm nóng thức ăn. Chi phí cho mỗi bếp khoảng 800.000 đến 1,4 triệu đồng, tùy chất liệu. Với hộ gia đình, nếu dùng một bếp parabol có thể tiết kiệm được từ 150.000 - 300.000 đồng/tháng.

Sắp tới, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ kết hợp với các Sở Khoa học Công nghệ các địa phương trong cả nước để tuyên truyền sử dụng bếp đung năng lượng mặt trời đến đông đảo người dùng.

Trần Liễu