[In trang]
Tưới thanh long nhờ mặt trời
Thứ tư, 21/03/2012 - 11:43
Từ khi dùng hệ thống tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời, do không phải tốn chi phí thuê nhân công tưới cây, không tốn tiền điện, nên mỗi tháng, tính ra ít nhất ông cũng tiết kiệm được 3- 4 triệu đồng. Cả năm tiết kiệm được tới mấy chục triệu đồng.
Về vùng sản xuất thanh long ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang hỏi tới Sáu Diệp (ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc), gần như ai cũng biết, vì ông là người trồng thanh long nổi tiếng nhất ở đây.
cb2ee2393_tuoitl.jpg
Ông Võ Sáu Diệp bên hệ thống tưới thanh long bằng năng lượng mặt trời
 
Ông còn là người đầu tiên sử dụng năng lượng mặt trời để tưới tiết kiệm cho vườn thanh long. Cơ duyên đến với Sáu Diệp (Võ Ngọc Diệp) vào năm ngoái, khi vườn thanh long của ông được một chuyên gia của Cty Mono Energy (Úc) đến thăm. Thấy Sáu Diệp làm thanh long bài bản và rất tâm huyết, vị khách người Úc đã về bàn bạc với Cty Mono Energy và công ty này đã quyết định giúp Sáu Diệp một hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn thanh long bằng năng lượng mặt trời.

Cuối năm ngoái, hệ thống này đã được Cty Mono Energy đem tới lắp đặt trong vườn thanh long Sáu Diệp. Hệ thống này gồm 1 tấm pin năng lượng mặt trời, công suất 175W. Năng lượng từ pin sẽ được dẫn xuống một moteur. Moteur sẽ vận hành hệ thống bơm lấy nước từ dưới mương và dẫn nước theo hệ thống ống dẫn tới tận mỗi gốc thanh long.

Ở mỗi gốc thanh long, có 2 van để nước nhỏ giọt xuống. Theo hướng dẫn của các chuyên gia, mỗi ngày Sáu Diệp vận hành hệ thống tưới này theo 3 ca, mỗi ca 2 tiếng đồng hồ. Tổng cộng thời gian hoạt động trong 1 ngày của hệ thống tưới là 6 giờ, qua đó, mỗi gốc thanh long sẽ nhận được khoảng 8 lít nước. Theo tính toán của các chuyên gia của Cty Mono Energy, đây là lượng nước vừa đủ cho cây thanh long đứng chân trên nền đất vườn ở ấp Lương Phú C. Như vậy, với hệ thống tưới này, Sáu Diệp đã có thể cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho mỗi gốc thanh long so với cách tưới ào ào bằng bơm điện như trước đây mà không thể biết rõ nước tưới đã dư hay còn thiếu.

Không những thế, nhờ đường ống dẫn nước tới tận gốc, lại nhỏ từng giọt xuống để nước thấm dần vào trong đất, nên gần như toàn bộ lượng nước tưới đã được rễ cây tiếp nhận. Dẫn tôi đi xem từng gốc thanh long vừa được tưới nhỏ giọt, Sáu Diệp đã chứng minh điều này bằng cách bươi đất ở dưới gốc ra để cho tôi thấy đất dưới gốc nào cũng đều ẩm, chứng tỏ nước tưới đã thấm xuống. Sáu Diệp bảo: “Hồi trước tưới bằng bơm điện, nước cứ phun vô gốc ào ào, nhưng bươi đất dưới gốc lên, thấy vẫn khô queo. Vậy là nước tưới bằng bơm điện đã không thấm được xuống bên dưới gốc cây mà chảy đi đâu hết. Mà tưới bằng bơm điện dễ làm hỏng kết cấu của đất”.

Bên cạnh đó, trong hệ thống tưới này còn có một bình chứa phân bón 9,5 lít. Theo đó, phân bón sẽ được hòa tan và cho vào trong bình này. Bình kết nối với hệ thống ống dẫn nước tưới, nên phân bón cũng theo nước tưới để đến từng gốc thanh long. Nhờ đó, Sáu Diệp không phải mất công đi bón phân vào từng gốc thanh long như trước đây. Phân bón cũng theo nước thẩm thấu xuống tận gốc rễ, nên cây có thể hấp thụ được dễ dàng.

Vườn thanh long của Sáu Diệp rộng 1 ha, tổng công 1.100 trụ thanh long. Trước đây, khi cùng máy bơm điện, nếu tự làm, sáu Diệp phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để bơm đủ nước cho tất cả số trụ thanh long trong vườn. Còn nếu thuê người làm, mỗi ngày, chi phí tiền công tới 120 ngàn đ/người. Ngoài ra còn phải tốn tiền điện. Từ khi dùng hệ thống tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời, Sáu Diệp khỏe re. Mỗi ngày, cứ đến giờ đã định, ông lại bấm công tắc cho máy bơm tự hoạt động tự dẫn nước tới tận từng gốc thanh long, còn bản thân thì ngồi nhâm nhi ly cà phê hay đi thăm thú vườn tược. Do không phải tốn chi phí thuê nhân công tưới cây, không tốn tiền điện, nên mỗi tháng, tính ra ít nhất ông cũng tiết kiệm được 3- 4 triệu đồng. Cả năm tiết kiệm được tới mấy chục triệu đồng. Ngoài ra còn chỗ nước, phân bón không bị lãng phí như trước thì khó tính ra được bằng tiền.

Nếu phải tự bỏ tiền đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời, thì với khoản tiết kiệm được như trên, chỉ vài năm là Sáu Diệp có thể lấy lại được vốn, bởi tổng kinh phí cho hệ thống này là 100 triệu đồng.

Đây là hệ thống tưới bền vừng vì được bảo hành tới 20 năm, lại là dạng năng lượng sạch. Do đó, sau thành công của hệ thống tưới tiết kiệm nước, Sáu Diệp đang tính tới việc làm hệ thống xông đèn cho thanh long cũng bằng năng lượng mặt trời.
 
Báo ĐT Nông nghiệp