[In trang]
Phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo thông qua hợp tác quốc tế
Thứ ba, 27/03/2012 - 14:02
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính Phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo tiêu thụ lên 5% vào năm 2020. Ngoài ra trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020 có xét đến năm 2030 cũng xác định tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 4,5% vào năm 2020.
Ngày 23/3, bên lề Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về các giải pháp năng lượng tái tạo và phân tán năm 2012 (Enerexpo Vietnam 2012) do Cục Thông Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với các đơn vị tổ chức đã diễn ra Hội nghị Enerexpo Vietnam 2012.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện, phong điện, địa nhiệt, điện mặt trời. So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng hiện có. Việt Nam cần xem xét khai thác  nguồn năng lượng tái tạo vì mục đích kinh tế, xã hội, an ninh  năng lượng và bảo vệ môi trường.

24684a54e_hoi_cho_2.jpg
Ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc tại hội thảo Enerexpo Vietnam 2012

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết “Hiện nay Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề phát triển năng lượng tái tạo. Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính Phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo tiêu thụ lên 5% vào năm 2020. Ngoài ra trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020 có xét đến năm 2030 cũng xác định tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 4,5% vào năm 2020.

Tiềm năng đa dạng

Với tổng số giờ nắng cao lên đến 2500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía nam, cơ sở cho phát triển công nghệ năng lượng mặt trời ở nước ta rất phát triển. Mức độ bức xạ nhiệt ở nước ta vào mùa đông đạt từ 3 - 4,5 kWh/m2/ngày và 4,5 - 6,5 kWh/m2/ngày vào mùa hè.

Với năng lượng gió, trong tương lai, sẽ đem lại nguồn điện góp phần đáp ứng nhu cầu về năng lượng ở một nước đang có tốc độ phát triển mạnh như Việt Nam. Đường bờ biển trải dài, khiến lưu lượng gió ở nước ta cũng khá lớn: tại hải đảo là 860 – 1.410 kWh/m2/năm; khu vực duyên hải là 800 – 1.000 kWh/m2/năm; một số khu vực trong nội địa: 500 – 800 kWh/m2/năm.

Do cấu trúc địa lý, Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thuỷ điện. Hiện, Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW. Khoảng 200 nguồn suối nước nóng nhiệt độ từ 40-150 độ C tập trung ở khu vực miền Trung cũng sẽ là nguồn địa nhiệt lý tưởng xây dựng các trạm phát điện.

a7c31d71b_hoi_cho_1.jpg
Trưng bày mô hình khai thác năng lượng gió tại gian hàng Enerexpo Vietnam 2012

Hàng nghìn nhà máy xay xát lúa gạo thải ra trấu; mà từ trấu đó có thể xây dựng các nhà máy điện chạy bằng vỏ trấu với tổng công suất có thể lên tới 70MW. Bã mía do các nhà máy đường thải ra hiện nay cũng thể cung cấp để sản sinh điện với tổng công suất khoảng 250MW.

Số liệu đánh giá và điều tra gần đây nhất cho thấy tiềm năng địa nhiệt ở Việt Nam có khả năng khai thác đến trên 300 MW. Khu vực có tiềm năng lớn nhất là miền trung.

Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, từ tiềm năng đến ứng dụng là cả một quá trình mà nếu không có sự đầu tư thích hợp thì tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng.

Cơ hội hợp tác

 Hiện tại sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam mới chủ yếu là năng lượng sinh khối ở dạn thô trong đun nấu gia đình. Năm 2010 mức tiêu thụ đạt khoảng 13 triệu tấn quy dầu. Một số dạng năng lượng tái tạo khác đang được khai thác cho sản xuất điện năng. Số liệu năm 2010, tổng điện năng sản xuất từ các dạng năng lượng tái tạo đã cung cấp lên lưới điện quốc gia  đạt gần 2000 triệu KWh, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng điện phát trên lưới điện toàn hệ thống.

Theo TS Đặng Đình Thống, Giám đốc Trung tâm Năng lượng mới, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo vẫn còn ở mức thấp, quy mô nhỏ và phân tán. Hầu hết các dự án ứng dụng mới chỉ mang tính trình diễn. Nguyên nhân chính là do trong giai đoạn hiện nay, đầu tư vào các dự án từ nguồn tái tạo so với các nguồn truyền thống khác còn có sự chênh lệch rất cao nên các nhà đầu tư mới chỉ đang tìm hiểu thăm dò, học hỏi kinh nghiệm để tìm giải pháp phát triển nguồn năng lượng này.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, để phát triển năng lượng tái tạo cần chú trọng vào công tác đào tạo nhân lực phục vụ cho việc thiết kế, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, tập trung cho việc đầu tư vào công tác khảo sát để có các dữ liệu đầy đủ về tiềm năng của các nguồn năng lượng này. Ví dụ với các nguồn năng lượng như gió, mặt trời, sóng biển… cần phải có những đầu tư cơ bản để biết được ở những vị trí nào, khu vực nào trên đất nước ta có những điều kiện phù hợp để đầu tư các dự án khai thác các nguồn năng lượng tái tạo đó.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng cũng nhấn  mạnh, để đạt được những mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo như đã đặt ra, việc chia sẻ những thành công, bài học kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu cũng như áp dụng công nghệ, chính sách và các giải pháp thông qua các hội nghị, hội thảo là hết sức quan trọng. Enerexpro 2012 là cơ hội tốt hợp tác về khoa học kỹ thuật giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam. Đây cũng là dịp tốt để các công ty, chuyên gia về năng lượng tái tạo của cả 2 nước trao đổi, học hỏi và bàn bạc về những khả năng hợp tác trong tương lai.

Các châu Âu là những quốc gia có nền khoa học tiên tiến với những dự án năng lượng tái tạo thành công góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cho nền kinh tế sẽ giúp ích rất nhiều cho Việt Nam trong quá trình tiếp cùng với đó là những kinh nghiệm quý báu.

 Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn nữa về cơ chế chính sách cũng như nguồn vốn để phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sự phát triển đất nước nhất là trong bối cảnh nguồn cung năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, giá năng lượng thế giới có nhiều biến động.

Trần Linh