[In trang]
Tuabin gió kiểu khinh khí cầu
Thứ năm, 12/04/2012 - 10:34
Hãng Altaeros Energies đã lần đầu tiên đưa vào thử nghiệm mẫu tua bin gió trên không AWT.
Hãng Altaeros Energies đã lần đầu tiên đưa vào thử nghiệm mẫu tua bin gió trên không AWT. Các thử nghiệm này đã diễn ra tại Trung tâm Thương mại Loring (Limestone, Maine, Mỹ). Tua bin AWT đã lơ lửng trên không trung ở độ cao 350 feet (tương đương 107 mét) và có thể sản xuất được điện năng.

4141c8ce9_tuabin_kinh_khi_cau.jpg

Tua bin gió AWT bơm đầy khí helium, vì vậy nó có thể lên tới độ cao cao hơn, nơi sức gió thường mạnh gấp năm lần mạnh hơn so với những nơi sát mặt đất. Công nghệ được sử dụng lấy cảm hứng từ loại khinh khí cầu công nghiệp chuyên được sử dụng để đưa các thiết bị truyền thông nặng và radar lên không trung. Loại khinh khí cầu công nghiệp truyền thống có thể chịu được bão và có khả năng từ từ đáp đất.


Tua bin AWT được đưa lên không trung từ một xe moóc chuyên được sử dụng để kéo tàu vào cảng. Cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng ở độ cao cao hơn mức truyền thống, nó có thể sản xuất được lượng điện năng gấp đôi bình thường. Chi phí năng lượng được kì vọng là sẽ giảm tới 65% bằng cách tận dụng sức gió mạnh ở độ cao khoảng 1.000 feet (tương đương với 305 mét).

Theo ông Ben Glass, Giám đốc điều hành hãng Altaeros – công ty do những cựu sinh viên của Đại học Harvard và Đại học công nghệ Massachusetts (Mỹ) lãnh đạo, "trong nhiều thập kỷ qua, để đưa được các tua bin gió lên độ cao vài trăm mét so với mặt đất, người ta cần phải sử dụng các cần cẩu tháp lớn”.

"Chúng tôi rất vui mừng khi chứng minh rằng vật liệu bơm hơi hiện đại có thể nâng các tua bin gió tới bất cứ nơi nào có sức gió mạnh hơn – với chi phí cạnh tranh và dễ dàng lắp đặt từ sau khi chúng được chuyển tới bằng các container”.

Tua bin gió AWT được Altaeros và Doyle Sailmakers (Salem, Massachusetts, Mỹ) đồng phát triển với mong muốn ít gây tác động tới môi trường và giảm tối đa ô nhiễm tiếng ồn. Tua bin AWT được khẳng định rằng chỉ đòi hỏi công tác bảo trì ở mức tối thiểu và thay thế nhiên liệu đắt tiền vẫn đang được sử dụng để cung cấp điện năng cho các ngôi làng, khu quân sự và khu công nghiệp ở vùng sâu vùng xa.

Lê My (theo Gizmag)