[In trang]
Ma rốc đón máy bay quang năng, tái khẳng định mục tiêu điện sạch
Thứ hai, 25/06/2012 - 10:12
Kế hoạch đầy tham vọng và đắt đỏ của Ma rốc về việc cung cấp 40% nhu cầu năng lượng từ nguồn năng lượng mặt trời vô hạn tới năm 2020 đã nhận được động lực từ phía cộng đồng
Kế hoạch đầy tham vọng và đắt đỏ của Ma rốc về việc cung cấp 40% nhu cầu năng lượng từ nguồn năng lượng mặt trời vô hạn tới năm 2020 đã nhận được động lực từ phía cộng đồng  khi máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên hoàn thành chuyến bay xuyên lục địa và đáp xuống quốc gia Bắc Phi này.

Bốn tua bin phản lực cánh quạt chạy bằng pin thể hiện rằng nó có thể giúp máy bay bay được ngay cả khi mặt trời đã lặn. Chiếc máy bay này được trang bị tới 12.000 tấm pin quang điện và có thể bay với vận tốc khoảng 64 kmh.

Nhà thám hiểm Piccard chia sẻ: "Đây có lẽ là chuyến bay tuyệt nhất trong cuộc đời tôi. Kể từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã mơ ước có thể được bay mà không cần sử dụng nhiên liệu”. Cũng chính Piccard là người đã từng đi vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu.

d984f6627_may_bay_quang_nang.jpg

Chiếc máy bay thực hiện hành trình dài 1554 dặm (tương đương 2500 km) từ Thụy Sĩ đến Ma-rốc và đã được cả châu Âu dõi theo. Phi công bay cùng Piccard kiêm đối tác của Solar Impluse, Andre Borschberg nói rằng chiếc máy bay này là một biểu tượng quan trọng về những việc có thể làm được mà không cần tới nhiên liệu hóa thạch. Theo Borschberg, "nó cho thấy năng lượng mặt trời là một công nghệ mà chúng ta có thể tin tưởng”.

Ma-rốc cũng thành lập một Cơ quan Quang năng với tên gọi là Masen, nhằm tài trợ cho xuất hiện của chiếc máy bay quang năng trên lãnh thổ nước này. Giám đốc Masen, ông Mustafa Bakkouri cho biết: "Với năng lượng mặt trời, bạn có thể làm được nhiều thứ, bạn có thể bay máy bay từ Payerne, Thụy Sĩ tới Rabat, bạn có thể sử dụng năng lượng mặt trời cho các hoạt động hàng ngày - nó là không chỉ nằm trong địa hạt của khoa học…Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà phần lớn trong số đó là nhập khẩu”.

Ngay khi bước ra khỏi chiếc máy bay, trước mặt báo giới tối ngày 5/6, nhà thám hiểm, phi côn người Thụy Sĩ Bertrand Piccard đã bày tỏ lòng khâm phục đối với tham vọng quang năng của Ma rốc rằng một ngày nào đó, họ sẽ xuất khẩu điện năng sang châu Âu.

"Chúng tôi đến đây, không khỏi ngưỡng mộ chương trình quang năng mà Ma rốc đi tiên phong", ông Piccard nói, rồi nở nụ cười rạng rỡ và ôm các thành viên trong nhóm của mình ngay trên đường băng.

Ma-rốc là một trong số ít quốc gia trong khu vực này hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu điện năng để đáp ứng nhu cầu của mình. Nó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu tăng vọt trong vài năm qua.

Năm 2009, Ma-rốc đã công bố dự án xây dựng 5 nhà máy quang năng trị giá 9 tỷ USD nhằm khai thác ánh sáng mặt trời và sản xuất được 2000 MW điện vào năm 2020.

Chính phủ nước này cũng đã giảm trợ cấp xăng và dầu diesel như là một động thái nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết mới của mình đối với quang năng. Việc này đã đẩy giá xăng và dầu diesel tại các trạm xăng lên tương ứng là 20% và 15%.

Mặc dù việc này sẽ đẩy giá thực phẩm lên cao, song bộ trưởng Ngân sách Ma rốc Idriss Azami lập luận rằng: "Quyết định này được thực hiện để bảo tồn sự cân bằng kinh tế vĩ mô".

Sẽ mất thêm một thời gian nữa trước khi Ma rốc có thể sử dụng nguồn quang năng. Nhà máy Ouarzazate nằm ở vùng rìa xa mạc dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2014 và sẽ tăng công suất lên 500 MW vào năm 2015.

Các nhà máy quang năng của Ma rốc sẽ sử dụng năng lượng mặt trời tập trung. Tại đó, các tấm gương parabol sẽ làm nóng một loại dầu tổng hợp, sau đó tạo ra hơi nước làm quay tua bin sản xuất điện.

Điện năng từ nhà máy Ouarzazate dự kiến ​​sẽ có giá cao gấp đôi so với điện năng từ nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm về việc này trước khi bán nó cho công ty điện lực nhà nước. Họ hiện đang nhận sự giúp đỡ từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới. Theo nhận định của tổ chức Phong trào Phát triển thế giới (Anh), nước này cần có thêm các khoản vay nhằm hỗ trợ điện năng tự sản xuất.

Một trong số những người tiêu dùng được hi vọng là sẽ hứng thú với nguồn năng lượng mới này là châu Âu, nơi mà nhiều quốc gia đang có các biện pháp tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Họ được kì vọng là sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền để mua điện năng sạch từ nguồn mặt trời của Ma rốc.

 Lê My (theo AP)