Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các tòa nhà Việt Nam đoạt giải ở cuộc thi uy tín này đều thuộc loại hình tòa nhà nhiệt đới (có trên 50% diện tích sàn không sử dụng điều hòa…), các tòa nhà mới, tòa nhà cải tạo lại vẫn khá xa lạ với giải thưởng này mà nguyên nhân chính nằm ở khâu tư vấn thiết kế. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.Hồ Chí Minh (ECC-HCMC) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, là đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ cho các tòa nhà tham dự cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á, ông nhận xét thế nào về các tòa nhà của Việt Nam khi tham dự giải thưởng này?
Mới đây, ECC-HCMC và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC-HN) đã phối hợp tổ chức lễ phát động 2 cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” và “Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà” năm 2012. Đây là năm thứ 6 cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” được tổ chức. Các tòa nhà đoạt giải cao sẽ được gửi đi tham dự cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á 2013.
Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các toà nhà (không bao gồm nhà ở) chiếm từ 15 - 20% tổng năng lượng sử dụng và trong những năm tới, con số này dự kiến còn tăng cao hơn nữa.
Cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á là cuộc thi thường niên được tổ chức gần mười năm qua với mục đích chọn ra những tòa nhà hiệu quả năng lượng, từ đó giới thiệu và nhân rộng những giải pháp hiệu quả năng lượng cho cộng đồng. Qua 6 năm tham gia cuộc thi, Việt Nam có 10 tòa nhà đạt giải trong số 18 công trình tham gia dự thi. Tuy nhiên, trong 10 tòa nhà này có đến 60% các tòa nhà thuộc hạng mục tòa nhà nhiệt đới – chủ yếu là các khu resort. Các tòa nhà thuộc loại hình tòa nhà mới, tòa nhà cải tạo lại ít giành được giải.
Nguyên nhân do đâu mà các tòa nhà mới, tòa nhà cải tạo lại của Việt Nam không giành được giải cao tại cuộc thi này, thưa ông?
Một tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải dựa trên 3 yếu tố: Thiết kế, công nghệ và quản trị năng lượng. Tuy nhiên, cả ba yếu tố này của nước ta đều còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề thiết kế kiến trúc.
Các tòa nhà cải tạo lại không đạt giải cao chủ yếu vì giải pháp công nghệ, vật liệu xây dựng và quản trị năng lượng áp dụng vẫn đi sau các nước một thế hệ. Đối với tòa nhà xây dựng mới, kinh nghiệm tại các quốc gia có nhiều tòa nhà từng đoạt giải cao tại cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á như Malaysia, Singapore cho thấy họ có một lực lượng tư vấn thiết kế rất mạnh, trên nền tảng một quốc gia có nền kiến trúc tốt, quản trị năng lượng, công nghệ tốt và thể chế phù hợp. Trong khi đó, Việt Nam chưa có được lực lượng tư vấn thiết kế (kiến trúc sư, thiết kế cơ điện, thiết kế hệ thống quản lý năng lượng…) đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu. Hiện nay, ở nhiều công trình mới xây dựng, chủ đầu tư thường phải thuê lực lượng tư vấn thiết kế từ nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục tại các trường chuyên ngành về kiến trúc, xây dựng của ta vẫn chưa chú trọng đến việc giáo dục về các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong tòa nhà, do đó, kiến trúc sư Việt Nam chưa có nhiều thông tin về công nghệ, thiết bị cũng như giải pháp giúp TKNL như thiết bị lạnh, thiết bị nhiệt, vật liệu xây dựng… Lực lượng tư vấn thiết kế của Việt Nam cũng chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các chương trình đào tạo bổ sung, cập nhật kỹ năng thiết kế các công trình xanh, TKNL. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, đánh giá và công nhận các công trình xanh của Việt Nam tuy đã có nhưng hiện vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, ví dụ như Quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng, Chứng nhận LOTUS… Với những nguyên nhân đó, nhìn chung, các tòa nhà mới của ta cho dù rất quan tâm đến việc làm sao để TKNL nhưng mới chỉ áp dụng TKNL một phần chứ chưa TKNL một cách hệ thống, hiệu quả TKNL do đó chưa tối ưu.
Như vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của lực lượng tư vấn thiết kế, từ đó nâng cao hiệu quả TKNL trong tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới – đối tượng hàng đầu cần thực hiện các giải pháp TKNL tối ưu, đâu là giải pháp, thưa ông?
Theo tôi, xung quanh vấn đề này cần có những giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng một đội ngũ tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực tư vấn thiết kế cho các tòa nhà. Có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đưa các kiến thức về TKNL vào quá trình giảng dạy tại các trường đại học. Bên cạnh đó, với những yêu cầu cấp thiết về TKNL như hiện nay, đội ngũ tư vấn thiết kế nên tự cập nhật các kiến thức về các công trình xanh để áp dụng vào những thiết kế của mình. Khi xây dựng được một đội ngũ tư vấn thiết kế theo những tiêu chuẩn hiện hành như Quy chuẩn Xây dựng của Việt Nam hay ở mức độ cao hơn như Chứng nhận LOTUS (Việt Nam), Leed (Mỹ), Tiêu chuẩn Green Mark (Singapore)…, hiệu quả TKNL cho các tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới chắc chắn sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, để lực lượng tư vấn thiết kế thực sự phát huy hiệu quả, hệ thống tiêu chuẩn, đánh giá và công nhận các công trình xanh phải thực sự phát huy tác dụng bởi đây sẽ là nền tảng, môi trường và điều kiện để ứng dụng những thiết kế xanh, TKNL. Lực lượng tư vấn thiết kế là yếu tố tiên quyết, tuy nhiên phải có môi trường thì lực lượng đó mới thực sự phát huy hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với các công trình xây mới không đảm bảo các tiêu chuẩn TKNL Ông Nguyễn Công Thịnh – Vụ KHCN và Môi trường – Bộ Xây dựng cho biết: Để đảm bảo các công trình xây dựng phải đạt được những điều kiện TKNL, đối với các công trình xây mới, trong quá trình xin cấp phép xây dựng, nếu các Sở xây dựng, cơ quan cấp phép xây dựng ở địa phương phát hiện ra các công trình đang xin cấp phép không đáp ứng được các điều kiện về TKNL thì sẽ không được cấp phép xây dựng. Trong trường hợp các chủ đầu tư cố tình xây dựng thì công trình đó sẽ bị kiểm tra và xử lý theo đúng Nghị định 73/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Sau năm 2015, các chế tài xử phạt dự kiến sẽ còn cao hơn nữa.
|