Sắp xếp pin mặt trời hình nón tăng hiệu suất gấp 20 lần
Thứ bảy, 06/10/2012 - 09:12
Những tấm pin này được lắp vào các cực cho phép chúng xoay nghiêng để thu được ánh sáng mặt trời. Phương pháp mới đã thay đổi hoàn toàn ý tưởng truyền thống.
Công ty V3Solar đã phát triển một phương pháp mới để chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng sử dụng công nghệ truyền thống. Phương pháp này có thể tạo ra sản lượng điện gấp 20 lần so với các phương pháp trước đây với cùng một số lượng pin mặt trời. Thiết bị mới mang tên Spin Cell thay vì đặt pin mặt trời theo mặt phẳng thì lại kết hợp các tấm pin theo một khung hình nón sau đó bao ngoài bởi các bộ phận tập trung năng lượng. Khi hoạt động, toàn bộ thiết bị quay tròn.
Cho tới nay, những dãy pin mặt trời được lắp dựa trên những tấm phẳng gắn pin mặt trời ở trên. Những tấm pin này được lắp vào các cực cho phép chúng xoay nghiêng để thu được ánh sáng mặt trời. Phương pháp mới đã thay đổi hoàn toàn ý tưởng truyền thống.
Vì năng lượng mặt trời có tiềm năng rất lớn, các nhà nghiên cứu tìm cách tăng hiệu suất của pin mặt trời bằng việc sử dụng các tấm gương gắn trên pin để thu được nhiều năng lượng hơn. Tuy nhiên, việc này tạo ra quá nhiều nhiệt tới mức các pin không hoạt động được.
Xuất phát từ ý tưởng này, các kỹ sư tại V3Solar đã điều chỉnh để ngăn chặn việc thu quá nhiều nhiệt bằng cách gắn pin trên một bệ xoay. Khi đó, mỗi pin mặt trời chỉ nhận thêm nhiệt trong một khoảng thời gian rất ngắn và có thể nguội trong khi thiết bị hình nón quay tròn. Thiết bị này được đặt trên một bệ nam châm điện hoạt động dựa trên chính một phần năng lượng tạo ra từ pin mặt trời. Kết quả là một phương pháp sản xuất năng lượng với hiệu suất cao hơn nhiều so với các pin mặt trời phẳng truyền thống đã ra đời.
Hiện nay, vấn đề duy nhất đối với ý tưởng này là giá cả. Công ty V3Solar vẫn chưa công bố chính xác chi phí sản xuất của thiết bị này nhưng chắc chắn là nó đắt hơn so với pin phẳng. Câu hỏi đặt ra là liệu chi phí cho một thiết bị này có bằng hay ít hơn so với chi phí cho 20 pin mặt trời truyền thống?
Kim Anh (theo http://phys.org/)