Chiêu tiết kiệm điện của các bà nội trợ
Thứ tư, 17/10/2012 - 10:08
Để tiết kiệm điện cho gia đình, chị em có rất nhiều “chiêu” độc đáo, tiện ích
Để tiết kiệm điện cho gia đình, chị em có rất nhiều “chiêu” độc đáo, tiện ích
Từ ngày sinh em bé, chị Hạ phải mua bình thủy điện để tiện lợi hơn cho việc chăm sóc cô công chúa nhỏ. Từ việc pha sữa, tráng bát, thìa, bình sữa, đến việc tắm, giặt cho con, thứ gì cũng cần đến bình nước nóng suốt cả ngày. “Dùng bất cứ vật dụng gì, nhất là cho con ăn tôi cũng cần phải tráng nước sôi thật kĩ để diệt trừ vi khuẩn. Các bé ăn vào mới yên tâm. Tuy nhiên, đặt bình nước nóng cả ngày như thế cũng khiến mỗi tháng gia đình tôi bị ngốn một khoản tiền điện khá lớn”, chị Hạ cho hay.
Mỗi tháng, khi trả hóa đơn tiền điện gấp đôi so với trước đó, gần một triệu đồng, nghĩ cũng xót. Nhất là thời điểm sắp tới, giá điện lại tăng, nên chị Hạ vô cùng lo lắng.
Được mọi người gợi ý cách cắm phích nước vào những giờ cần dùng cho sinh hoạt của con, chị Hạ giãy nảy: “Không ổn đâu, tôi muốn khi nào cần là phải có nước. Tuy cũng lãng phí thật, nhưng nếu không có cho bé dùng thì tôi không yên tâm chút nào”.
Tuy nhiên, sau một thời gian, chị nhận thấy việc ghi lại giờ giấc ăn, ngủ, sinh hoạt của bé là điều hết sức quan trọng, và chính điều này sẽ giúp chị tiết kiệm khá lớn điện năng khi cắm bình thủy. “Thay vì cắm điện 24 giờ như trước, mỗi khi đến giờ ăn của con, tôi đều cắm nước nóng trước đó 30 phút. Cách này áp dụng được một tháng và cũng giúp tôi tiết kiệm được vài trăm tiền điện”, chị cho biết.
Để tiết kiệm điện cho gia đình, chị Phương lại có cách làm khác. Chị nhận thấy hai cô con gái lớn dùng điện khá lãng phí. Cả lúc hai đứa ngủ, máy tính, điện vẫn thắp sáng trưng. Nhắc nhở các con lại hay quên, nên trước giờ đi ngủ, chị thường đi một vòng kiểm tra, tắt hết công tắc điện không cần thiết trong nhà. Việc làm này cũng tiết kiệm được đáng kể chi phí cho hóa đơn mỗi tháng.
Lập gia đình mới được hai tháng, lo sắm sửa tiện nghi cho ngôi nhà mới khiến đôi vợ chồng trẻ Minh – Lan không khỏi bối rối. Việc sắm đồ điện sao cho hợp lý, lại tiết kiệm thực sự là điều không hề dễ dàng.
“Ban đầu, theo dự tính của vợ chồng mình sẽ mua một cái tủ lạnh to, với dung tích 250 lít, nhưng nghĩ tủ lạnh lớn lại có hai vợ chồng e hơi phí, nên mình chuyển sang dùng tủ lạnh loại 100 lít. Các loại bóng điện tròn đều được thay thế bằng bóng huỳnh quang, bình nóng lạnh vợ chồng mình cũng chọn loại nhỏ, phù hợp với căn hộ và nhu cầu sử dụng. Mua cái lớn cũng không phải quá đắt, nhưng quan trọng mình muốn thực hành tiết kiệm ngay trong chính gia đình mình”, Lan, cô dâu trẻ cho hay.
Không phải cứ giá điện tăng mới nghĩ đến chuyện tiết kiệm. Trên đây chỉ là một vài “chiêu” tiết kiệm, một vài kinh nghiệm nhỏ của các bà nội trợ để giảm tải chi phí hàng tháng cho gia đình mình. Thực hành tiết kiệm điện ngay từ hôm nay, là điều rất quan trọng trong sinh hoạt gia đình.
Thúy Hằng st