Sử dụng quang năng để nghiên cứu voi
Thứ hai, 22/10/2012 - 09:49
Một nhóm các nhà nghiên cứu voi từ Đại học Stanford (Mỹ) đã chuyển đổi vùng xa xôi hẻo lánh ở miền Nam châu Phi trở thành một trại công nghệ cao chạy hoàn toàn bằng ánh sáng mặt trời. Trại nghiên cứu theo mùa này đã cho các nhà khoa học một cơ hội hiếm có để lặng lẽ quan sát, quay băng và chụp ảnh voi hoang dã tại hồ nước Mushara, một ốc đảo bị cô lập trong Công viên quốc gia Etosha (Namibia).
Ông Caitlin O'Connell-Rodwell, trưởng nhóm nghiên cứu, giảng viên Đại học Y Stanford, nhà khoa học hợp tác tại Trung tâm Bảo tồn Sinh học Stanford cho biết: "Một trong những khía cạnh thực sự đặc biệt của quang năng là nó cho phép chúng tôi ở một khu vực cực kì xa xôi hẻo lánh, gần như không có khách du lịch và nằm ngoài lưới điện”.
"Chúng tôi tới để xem đàn voi sống trong một không gian lặng lẽ, không máy phát điện, không người, không xe cộ”.
O'Connell-Rodwell đã nghiên cứu cách giao tiếp của voi tại Mushara suốt 20 năm qua, theo đó, voi có thể cảm nhận các rung chấn thông qua chân và vòi.
Để nghiên cứu từng con voi, Patrick Freeman, sinh viên trường Đại học Stanford, thành viên nhóm nghiên cứu đã chụp hàng trăm bức ảnh với độ phân giải cao bằng cách sử dụng một máy ảnh bằng năng lượng mặt trời.
Năng lượng mặt trời cũng được sử dụng để vận hành một hệ thống loa có thể phát ra âm tần số thấp nhằm giao tiếp với đàn voi ở đây. Các tấm pin quang năng cung cấp đủ điện để vận hành một phòng thí nghiệm tạm thời nghiên cứu phân voi, chạy các máy quay và các thiết bị biên tập cho một nhóm quay phim tài liệu. Quang năng còn được sử dụng để chạy 2 tủ lạnh 12 volt chứa thịt tươi, các sản phẩm từ sữa và bia.
Mushara là nhà của hàng trăm động vật hoang dã - bao gồm cả tê giác, hươu cao cổ, linh cẩu và sư tử. Để giữ cho các động vật không đi vào khu trại, các nhà nghiên cứu đã thiết lập một hàng rào quang năng, gây ra những cú giật điện vô hại, quanh khu trại.
Các tấm pin mặt trời và toàn bộ phần còn lại của hệ thống điện được tháo dỡ vào cuối mùa nghiên cứu khi các nhà khoa học trở về nhà.
O'Connell-Rodwell và nhóm của bà có kế hoạch để xây dựng lại trại quang năng tại Mushara vào năm tới và tiếp tục dự án nghiên cứu voi dài hạn của họ. "Về cơ bản, tất cả các thiết bị điện tử công nghệ cao của chúng tôi đang chạy nhờ các tấm pin mặt trời, một cặp pin và một biến tần… Mặt trời làm toàn bộ phần còn lại."
Nhóm nghiên cứu Stanford cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ các công ty năng lượng mặt trời Soltec và HNU Energy.
Lê My (Theo Physorg)