[In trang]
Nâng cao hiệu quả sử dụng điện bằng mô hình ESCO
Thứ bảy, 10/11/2012 - 10:06
Để việc sử dụng điện vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm, Bộ Công Thương đã đưa ra 10 mô hình ESCO (dịch vụ năng lượng, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, tối ưu hóa máy nước nóng năng lượng Mặt Trời và đóng góp tài chính với doanh nghiệp), thực hiện thí điểm nhằm giúp tiết kiệm điện năng, vừa giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường.
Để việc sử dụng điện vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm, Bộ Công Thương đã đưa ra 10 mô hình ESCO (dịch vụ năng lượng, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo trì, tối ưu hóa máy nước nóng năng lượng Mặt Trời và đóng góp tài chính với doanh nghiệp), thực hiện thí điểm nhằm giúp tiết kiệm điện năng, vừa giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường.

Mô hình thông minh

0258a0412_mohinhesco.jpeg

Hệ thống tiết kiệm điện theo mô hình ESCO. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty Solar-BK, đơn vị phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện thí điểm mô hình này, phương án giám sát điện năng hàng tháng một cách hiệu quả khi áp dụng mô hình ESCO là dựa vào việc tích hợp hệ thống điều khiển thông minh, giám sát và thu thập dữ liệu từ xa (SCADA). Trong đó, tủ điều khiển BlogiK của toàn hệ thống cho phép điều khiển, giám sát thu thập dữ liệu từ xa, sử dụng công cụ máy tính để phân tích, giám sát tình hình hoạt động của hệ thống bao gồm nhiệt độ, lưu lượng tải, tình trạng thiết bị… Việc này được thực hiện nhờ các cảm biến gắn vào hệ thống bao gồm cảm biến nhiệt độ, cảm biến lưu lượng dòng chảy, cảm biến công suất, các thông số cần thiết được ghi nhận và lưu lại, sau đó thông tin sẽ được phân tích và xử lý.

Ngoài ra, hệ thống này còn cung cấp chức năng cập nhật, nâng cấp các chế độ điều khiển, các thông số cài đặt sao cho tối ưu và hiệu quả nhất. Với khả năng cập nhật các chương trình điều khiển trực tuyến, nhân viên phụ trách có thể nâng cấp chương trình điều khiển của hệ thống, mà không cần trực tiếp đến công trình.

Thông qua phân tích của Scada, nhân viên phụ trách cập nhật các thay đổi kịp thời giúp cho hệ thống luôn hoạt động tối ưu nhất. Bên cạnh đó, website chủ có nhiệm vụ tập hợp, lưu trữ và hiển thị các thông tin của hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời có tích hợp chức năng SCADA. Website này do Bộ Công Thương đầu tư và giám sát, giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm tra và truy xuất dữ liệu về tình trạng hoạt động của hệ thống, việc kiểm toán năng lượng thuận lợi và dễ dàng hơn.

Với hệ thống này, doanh nghiệp không cần vốn đầu tư ban đầu để lắp đặt, thu lợi nhuận từ nguồn vốn nhàn rỗi, được ESCO chia sẻ khoản tiết kiệm hàng tháng từ 10%-30%, tùy theo khoản đặt cọc ban đầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ hoàn toàn sở hữu hệ thống sau khi kết thúc hợp đồng với ESCO.

Mặt khác, ứng với toàn bộ 10 dự án ESCO, với dung tích 15m3/công trình, nhiệt độ cung cấp đến 60 độ C, hệ số tiết kiệm năng lượng trung bình 65% giúp tiết kiệm so với hệ thống đun nước nóng thông thường (dùng thiết bị điện – máy nước nóng điện) khoảng hơn 2000 Mwh.
 
Theo số liệu từ RETScreen, điện năng tiết kiệm ở Việt Nam sẽ giảm thiểu phát thải 0,362 tấn CO2/MWh. Như vậy, khi dự án đi vào hoạt động có thể giảm hơn 800 tấn CO2/năm phát thải vào môi trường, đạt hơn 4.0 tấn CO 2 trong 5 năm. Con số này tương đương con số phát thải CO2 vào môi trường khi sử dụng gần 9333 thùng dầu thô (1 thùng = 42gallon USA = 158.987 lít) hay khoảng 410 héc ta rừng cần trồng thêm để hấp thụ hết lượng khí CO2 phát thải.

Tiết kiệm hơn 60% chi phí cho doanh nghiệp

Thời gian qua, mô hình ESCO đã được 10 đơn vị khách sạn, trường học và nhà máy sản xuất áp dụng. Ông Huỳnh Văn Phát, Giám đốc Khách sạn Đệ Nhất, TP. Hồ Chí Minh cho biết, khách sạn lắp đặt hệ thống ESCO điều khiển hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời được 3 năm. Hệ thống này mang lại lợi ích rất nhiều cho khách sạn. Trước khi áp dụng mô hình này, lượng điện tiêu thụ khoảng 146.000 Kwh/năm. Sau khi lắp đặt hệ thống này, lượng điện tiêu thụ chỉ chiếm 22.000 Kwh/năm. Tính ra, khách sạn tiết kiệm được hơn 270 triệu đồng tiền điện/năm. Hơn nữa, hệ thống này được kết nối với buồng điều khiển, khách sạn chỉ cần 1 nhân viên điều khiển toàn bộ hệ thống, từ thu thập đến xử lý và lưu trữ dữ liệu. Mặt khác, qua hệ thống này, mọi biến đổi trong máy móc vận hành đều được lưu lại, để công nhân bảo trì kịp lúc, tăng cao tuổi thọ của máy nước nóng.

Còn ông Nguyễn Đình Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours phấn khởi giới thiệu về hệ thống ESCO, Vitours chỉ mới lắp đặt hệ thống ESCO được 4 tháng, nhưng hiệu quả thể hiện rõ rệt. Công ty không phải chi vốn đầu tư hệ thống ban đầu. Mỗi tháng, công ty nhận được 20% tiền tiết kiệm hàng tháng (trên số tiền đặt cọc ban đầu). Ngoài ra, công ty cũng tiết kiệm được hơn 60% tiền điện mỗi tháng so với chưa lắp đặt hệ thống này.

Với hệ thống này, công ty tiết kiệm thời gian và nhân công quản lý so với trước đây (vài tháng phải chia công nhân súc các bình điện đun nước nóng). Khách du lịch cũng yên tâm và thoải mái hơn khi đến khách sạn sử dụng nước nóng đun bằng năng lượng tự nhiên. Hơn nữa, các lãnh đạo công ty đều thấy được từng chi tiết nhỏ của hệ thống, những con số chênh lệch được lưu lại trên bộ điều khiển hệ thống để điều hành hợp lý hơn.

Theo Vietnam+