“Cối điện” không cần điện
Thứ sáu, 16/11/2012 - 16:24
Đối với vùng cao cái gì cũng có thể trở thành chuyện lạ. Chúng tôi gặp Trưởng bản Giàng A Dê đang cùng dân bản chặt tre để dựng thêm mấy cây cột cho các hộ dân nghèo kéo điện. Ông bảo: “Chuyện cái điện ở bản Tà Ghênh của tao còn lạ hơn nhiều”.
Đối với vùng cao cái gì cũng có thể trở thành chuyện lạ. Chúng tôi gặp Trưởng bản Giàng A Dê đang cùng dân bản chặt tre để dựng thêm mấy cây cột cho các hộ dân nghèo kéo điện. Ông bảo: “Chuyện cái điện ở bản Tà Ghênh của tao còn lạ hơn nhiều”.

Giàng A Dê từ ngày làm trưởng bản chưa một ngày ông không nghĩ. Điều ông nghĩ là làm thế nào để dân bản mình ấm no, để người Mông không còn lạc hậu, đói nghèo. Chiều ấy mưa như sạt núi. Nước chảy thành dòng xoáy sâu vào chân ruộng bậc thang. Giàng A Dê đeo chiếc lù cở và vác cuốc xả nước để tránh vỡ bờ. Bên chân ruộng nhà Trang A Củ có tiếng thùm… thụp… ụp… xoà… mãi mà không dừng. Thưa thôi nhưng đều. Lại vẫn tiếng giã của cái cối nước. Cái cối nước ở vùng cao thì nhiều. Chỉ cần có nước là cối hoạt động. Cối không cần phải cắm điện như máy khâu, máy xay xát thế mà nó vẫn cho ra gạo trắng, ngô thì vỡ vụn để nấu mèn mén. Cối bà con làm bằng cây gỗ lớn. Thân chày dài khoảng 2m - 3m. Một đầu gắn chày, một đầu khoét rỗng để nước chảy vào. Cối hoạt động theo nguyên lý “bập bênh”. Khi nước từ ống dẫn đổ đầy phần đầu chày thì tự nó bênh lên và chày giã xuống cối. Cứ thế nước vào lại ra. Bà con không phải mất công đứng giã hoặc phải chạy máy xay xát, cứ việc đi nương chiều về chắc chắn có một cối gạo hoặc ngô đã được giã trắng. Để làm một chiếc cối không khó. Mùa hè Tà Ghênh mưa nhiều nếu biết tận dụng sức nước để làm một số việc như giã gạo, ngô, sắn, rong giềng thì sẽ không còn ai phải bán ngô, lúa để trả tiền điện mà điện nếu chuyên dùng thắp sáng cũng chẳng tốn bao nhiêu. Thế mà từ ngày có điện bà con bỏ gần hết loại cối này, hình như chỉ hộ ông Trang A Giàng, Trang A Củ là còn. Trưởng bản Giàng A Dê quyết định họp dân bản vào một ngày gần nhất để nghĩ và bàn cách tiết kiệm điện.
Đúng hôm trưởng bản cầm trên tay một tờ tranh đến sân trường học thì bà con đã đông đủ. Có người hỏi nhau: Trưởng đi đâu vắng mà mấy ngày nay mới thấy mặt nhỉ? Chưa ai tìm ra câu trả lời thì Giàng A Dê đã nói: “Ngày xưa bản ta chưa có điện bà con phải giã gạo bằng cối nước, xay ngô bằng cối đá. Giờ có điện rồi ngô không còn thấy nhiều nữa, bán nhiều quá, cối không còn thấy đâu nữa vì làm gì còn ngô để mà giã. Nước thì cứ chảy không, chảy lãng phí suốt ngày”. Một người thắc mắc: “Trưởng bản nói gì bọn mình không hiểu?”. Giàng A Dê cầm ra tờ tranh to vẽ bằng tay nhưng dễ nhìn: “Đây gọi là cọn nước hay guồng nước cũng thế thôi. Cái này người Tày, người Thái ở Sơn La, Tuyên Quang làm lâu rồi. Cọn nước làm bằng tre, nứa và đặt cố định ở dưới suối, nước chảy thì cọn quay và múc theo nước đưa lên ruộng cả ngày lẫn đêm. Mình vừa không mất tiền điện, không tốn công sức, lúa thì vẫn được tưới đều”. Đúng là người Mông ở Tà Ghênh chưa có “cọn nước” kiểu như thế thật. Người Tày, người Thái ở vùng thấp no ấm hơn vậy mà họ còn phải nghĩ ra đủ mọi cách để tận dụng những gì tự nhiên ưu đãi. “Người Mông ở Tà Ghênh vẫn đói nghèo, muốn hết đói nghèo phải lung lay cái đầu. Đơn giản như việc học cách tiết kiệm điện cũng là góp phần giảm đói đấy”. Lời trưởng bản không có cánh nhưng ngày hôm sau nó đã “bay” lên tận Thào Sua Chải và Làng Giàng. Người Mông ở Thào Sua Chải lại sáng tạo hơn. Sau dòng nước chảy vào cối giã gạo bà con nghĩ thêm cách tận dụng luôn nó để chạy “củ điện”. Điện này dùng cả ngày lẫn đêm cũng không phải trả tiền cho ai vì chính dòng nước tạo ra điện từ “cái củ” mua về. Hộ nào cũng làm được chỉ cần có “củ điện là xong.
Theo Báo SGGP