Công trình tiết kiệm năng lượng: Chủ đầu tư là người được lợi
Thứ năm, 06/12/2012 - 13:36
Theo thống kê, chỉ riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng chiếm từ 40% - 70% năng lượng (NL) cung cấp cho đô thị.
Theo thống kê, chỉ riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng chiếm từ 40% - 70% năng lượng (NL) cung cấp cho đô thị. Như vậy, việc sử dụng NL hiệu quả tại các công trình sẽ góp phần giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện cũng như chi phí cho các tòa nhà, đặc biệt là đối với các công trình có chi phí điện năng lớn như các tòa nhà văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…
Áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng: chủ đầu tư là người được lợi
Theo phân tích tại 8 tòa nhà tiết kiện năng lượng (TKNL) điển hình và 27 cuộc phỏng vấn với các chuyên gia của Trần Bình Minh – Chuyên gia phát triển dự án của Swisscontact Đức, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển, cho thấy việc đầu tư vào các giải pháp TKNL tại tòa nhà có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho chủ đầu tư.
Tại khách sạn Sheraton Hà Nội, sau khi cải tạo tòa nhà bằng cách sử dụng bộ biến tần (VSD) máy bơm của máy làm lạnh nước sơ cấp, chi phí năng lượng giảm từ 14,74% (năm 2005) xuống còn 4,38% (năm 2009). Hay việc áp dụng hệ thống điều khiển trung tâm tại cao ốc HITC từ năm 2007-2009 đã tiết kiệm được 410 nghìn Kwh. Đặc biệt, các công trình này có tỉ lệ hoàn vốn cao, thời gian hoàn vốn hợp lý. Như tòa nhà HITC thời gian hoàn vốn là 1,5 năm với tỉ lệ hoàn vốn (ROI) 131%, tương tự, ở khách sạn Sheraton thời gian hoàn vốn là 8 tháng và ROI là 312%. Cao ốc Ocean Park sau khi áp dụng hệ thống điều hòa không khí hiệu suất cao kèm hệ thống quản lý công trình trong 4 năm (2006-2009) cũng tiết kiệm được gần 778,9 nghìn Kwh với thời gian hoàn vốn là 8 tháng (thời gian hoàn vốn đối với hệ thống quản lý công trình là 4,5 năm). Qua kết quả này cho thấy những lợi ích kinh tế này rất hấp dẫn và thỏa mãn được yêu cầu của chủ đầu tư.
Thiết kế công trình xanh vẫn có thể áp dụng ở dự án có vốn đầu tư thấp
Theo phân tích của Trần Bình Minh cho thấy, việc thiết kế công trình trên thực tế vẫn có thể áp dụng cho các tòa nhà có suất đầu tư rất thấp. Như tại 3 tòa nhà chung cư thuộc dự án tái định cư dành cho người thu nhập thấp ở khu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm (TP Hồ Chí Minh) đã áp dụng nhiều nguyên tắc thiết kế xanh khi thiết kế tòa nhà, ví dụ mái thông gió hai lớp – một dạnh thiết kế còn chưa được phổ biến ở Việt Nam… khiến cho mức độ tiện nghi và chất lượng không khí trong nhà của công trình rất tốt nhưng giá bán căn hộ lại rất thấp, từ 118 -312 USD/m2 (năm 2005). Hay như kiến trúc xanh cho công trình có kiến trúc kiểu nhà ống và công trình ở trường học của KTS Võ Trọng Nghĩa. Theo chủ đầu tư công trình trường học, “chi phí tăng thêm cho giải pháp xanh là không đáng kể, tổng giá thành xây dựng tương tự như những trường khác không áp dụng khái niệm thiết kế xanh”, vì là trường tư nên “chủ đầu tư có thể trực tiếp tham gia vào khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu, nhà thầu, giám sát công trình”.
Tuy nhiên, việc đầu tư TKNL hiện tại vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Như ở 3 tòa nhà nói trên, dù hiệu quả TKNL sau khi đầu tư áp dụng các giải pháp TKNL là rất cao, nhưng việc áp dụng những biện pháp tương tự tại các công trình khác lại rất hãn hữu.
Theo nghiên cứu, việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu sự tin tưởng vào lợi ích của các biện pháp TKNL là những lý do chính khiến các biện pháp này chưa được thực thi. Nhưng từ thực tế các công trình này cho thấy, lý do chính cản trở việc áp dụng các giải pháp TKNL không phải vốn đầu tư. Vì thực tế, hiệu quả mà các giải pháp này mang lại lớn hơn nhiều so với vốn đầu tư mà chủ đầu tư chi ra.
Theo một chuyên gia tư vấn về hiệu quả năng lượng, nhiều công trình đã triển khai các biện pháp thiết kế xanh và TKNL, không những giảm được chi phí năng lượng mà còn quảng bá được hình ảnh của công trình miễn phí trên các phương tiện truyền thông, vì ở Việt Nam, vấn đề công trình xanh và hiệu quả năng lượng công trình vẫn còn khá mới mẻ. Hơn nữa, một công trình xanh sẽ được nhiều khách hàng lựa chọn hơn. Nhất là hiện nay với nhận thức ngày càng cao của khách hàng quốc tế đối với vấn đề môi trường và xu hướng nhiều khách hàng muốn ưu tiên chọn ở những khách xanh sẽ là động lực để các doanh nghiệp và các khách sạn áp dụng những giải pháp TKNL và tiêu chuẩn môi trường ISO 14001.
Theo Xây dựng