[In trang]
Tiết kiệm năng lượng – những mô hình đáng học
Thứ tư, 12/12/2012 - 09:24
Kiểm toán năng lượng, nghiên cứu và tính toán chi phí từ các trang thiết bị máy móc có sử dụng năng lượng tại các nhà máy
Kiểm toán năng lượng, nghiên cứu và tính toán chi phí từ các trang thiết bị máy móc có sử dụng năng lượng tại các nhà máy, DN là một trong những việc làm khá hiệu quả để tìm ra giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) tối ưu nhất. Các giải pháp này góp phần giúp các đơn vị có kế hoạch đầu tư thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng bằng các sản phẩm TKNL.

Từ Nhà máy gạch Lộc An

Nhà máy gạch tuynen Lộc An (Phú Lộc) cũng như nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác có định mức tiêu thụ năng lượng rất lớn, chủ yếu là than đá. Trung bình mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 22 triệu viên gạch. Lò đốt phải sử dụng trên 4.600 tấn than đá với số tiền tương đương 4 tỷ đồng. Nhà máy còn sử dụng khoảng 730.000 kw điện và trên 28 nghìn lít dầu diesel, tổng chi phí cho năng lượng sử dụng tại nhà máy hằng năm chiếm khoảng 5,3 tỷ đồng. Theo đó, giá thành các sản phẩm của nhà máy gạch Lộc An có một tỷ lệ lớn là chi phí năng lượng. Nếu giải quyết thành công vấn đề tiết giảm năng lượng sẽ góp phần hạ giá thành, giúp cho sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.

f9592ceba_huestietkiemnangluongnhungmohinhdanghoc_1.jpg

Cán bộ Trung tâm Tư vấn công nghiệp và TKNL triển khai kiểm toán năng lượng để tìm ra các giải pháp TKNL hiệu quả

Trước thực trạng đó, Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng đã triển khai kiểm toán năng lượng để tìm ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát năng lượng trong quá trình sử dụng. Theo kết quả kiểm toán, nhà máy còn nhiều máy móc chưa tương đồng, thiết bị lắp đặt thừa hoặc thiếu công suất khiến cho năng lượng sử dụng bị hao hụt. Các thiết bị vận hành quá lâu không được bảo dưỡng cũng khiến cho mức tiêu thụ năng lượng lớn. Từ những nhận định đó, trung tâm đề ra các giải pháp khác nhau, trong đó có giải pháp không chi phí và có chi phí. Ngoài việc bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, bố trí giờ sản xuất hợp lý, trung tâm đề xuất lắp đặt biến tần cho các động cơ có công suất lớn, lắp đặt powerboss cho các động cơ truyền động khác nhau. Theo đánh giá của trung tâm, nếu đáp ứng những yêu cầu này, nhà máy tiết kiệm được khoảng 24,4% năng lượng tiêu thụ, tương đương với 28,8% chi phí.           

Trong tất cả các giải pháp này, giải pháp có thời gian thu hồi vốn lâu nhất là 24 tháng, đó là lắp đặt biến tần cho quạt hút khí thải lò nung lò sấy và quạt thu hồi khí nóng. Còn lại các giải pháp khác đều có khả năng thu hồi vốn chưa đến 2 năm. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả tối đa cho các giải pháp này, trung tâm còn đê xuất lắp đặt đồng hồ tại các điểm tiêu thụ năng lượng chính nhằm nâng cao tính giám sát. Từ đó, đề ra các kế hoạch và định mức sử dụng năng lượng hợp lý để quản lý một cách hiệu quả.

Đến Dệt may Huế

Là một trong những đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh, Công ty CP Dệt may Huế hằng năm tiêu thụ khá nhiều điện năng, trong đó chiếm khoảng 12% giá thành sản phẩm. Từ năm 2006, công ty thành lập ban chỉ đạo tiết kiệm điện để tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như tạo nhận thức tốt trong vấn đề TKNL. Nhiều giải pháp được đưa ra, đáng chú ý là việc thay thế hệ thống chiếu sáng thông thường bằng đèn TKNL, cắt chiếu sáng ở các khu vực không sản xuất, thay thế biến tần ở các động cơ, giảm thiểu tối đa động cơ vận hành không tải. Với các giải pháp này, công ty tiết kiệm trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Trong năm 2010, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình TKNL, DN tiến hành lắp đặt biến tần cho quạt hút đẩy 22 kw cho các buồng điều khiển thông gió và lắp đặt biến tần 3 kw cho động cơ hút đầu mối sợi con. Đây là 2 loại động cơ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và nếu tiết giảm được sẽ góp phần lớn trong việc tiết giảm năng lượng cho toàn bộ hoạt động của công ty. Theo kết qua theo đánh giá kiểm toán của Trung tâm tư vấn công nghiệp và TKNL, với 2 giải pháp này, công ty tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng/năm. Đây là tiền đề để công ty áp dụng các giải pháp này cho các động cơ sử dụng điện năng lớn hơn. 

Để nâng cao công tác quản lý năng lượng, công ty CP Dệt may Huế phối hợp với Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng tiến hành lắp đặt phần mềm quản lý năng lượng thí điểm cho tổ máy của xưởng may. Đây là phần mềm quản lý năng lượng đã được áp dụng tại nhiều công ty lớn và là chương trình bắt buộc của Bộ Công thương đối với các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm. với phần mềm này, tổ kỹ thuật sẽ nắm được con số tiêu thụ năng lượng hằng ngày, so sánh, đối chiếu mức độ tiêu thụ so với công suất máy nhằm đánh giá hiệu quả vận hành của thiết bị và đề ra những giải pháp hiệu quả nhất để tiết giảm năng lượng.

Ông Trương Hoàng Công Danh, Giám đốc Trung tâm tư vấn công nghiệp và TKNL cho biết: “Thông qua các giải pháp TKNL, nhiều DN, nhà máy trên địa bàn tỉnh tiết giảm khá nhiều chi phí trong quá trình sử dụng năng lượng, đồng thời lập kế hoạch chi tiết để đầu tư vốn trang bị các thiết bị TKNL phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, song song với việc TKNL, giá thành của các sản phẩm sẽ giảm, đời sống của người lao động sẽ nâng lên và quan trọng hơn đó là thực hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.”

Theo Báo Thừa Thiên Huế