Phổ biến kiến thức Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015: Triển khai đồng bộ các hoạt động Ngày 02/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là: Triển khai đồng bộ các hoạt động của Chương trình theo chiều sâu, dỡ bỏ các rào cản, tạo bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cuối cùng, tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng; giao thông vận tải; hoạt động dịch vụ, hộ gia đình; phổ biến phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Thông qua các hoạt động của Chương trình, đạt được mục tiêu về tổng mức tiết kiệm năng lượng tính chung cho cả nước và cho riêng từng lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội; góp phần giảm đầu tư cho phát triển hệ thống cung ứng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường; khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chương trình gồm có 4 dự án: Dự án tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường; Dự án phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; Dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà; Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành GTVT.
|
Hiện nay phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn chính thải ra các chất gây ô nhiễm trực tiếp hoặc kết hợp để tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp có hại đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, trong khí thải phương tiện giao thông cơ giới còn có các thành phần khí gây hiệu ứng nhà kính như cacbon điôxít (CO2), mê tan (CH4), N2O, NO2...
Chính vì lý do đó, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học ngoài việc quan tâm giảm phát thải các khí gây ô nhiễm còn tìm cách giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động GTVT mà một trong những giải pháp đó là phát triển phương tiện GTVT sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Kiểm tra thường xuyên các tiêu chí đảm bảo ATGT, môi trường đối với phương tiện
Phát triển phương tiện GTVT thân thiện môi trường trên các diễn đàn quốc tế
Hội nghị Bộ trưởng GTVT về môi trường và năng lượng toàn cầu (MEET) diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản năm 2009 với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT của 21 nước và 9 tổ chức quốc tế trong đó có Việt Nam đã thông qua tuyên bố hành động vì mục tiêu lâu dài phát triển hệ thống giao thông ít phát thải cacbon, ít gây ô nhiễm và khuyến khích các nước lựa chọn thực hiện ở nhiều tiêu chí như: Có sự tiếp cận đồng bộ hoặc toàn diện trong các chiến lược GTVT quốc gia về tất cả các phương thức vận tải, các loại nhiên liệu, các loại phương tiện GTVT và sử dụng nhiều biện pháp và công cụ chính sách; Ứng dụng khái niệm "tiết kiệm chi phí" (cost-effectiveness) trong các lĩnh vực, các phương thức vận tải và các giải pháp trong giải quyết các vấn đề phát thải khí nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí; Chuyển giao và truyền bá rộng rãi các công nghệ sẵn có và khuyến khích nghiên cứu phát triển, triển khai (RD&D) các công nghệ và các giải pháp tiên tiến...
Theo đó, phát triển phương tiện GTVT thân thiện với môi trường được quan tâm, phát triển ở các quốc gia theo hướng: Ưu tiên phát triển đường sắt, vận tải hành khách số lượng lớn; Sử dụng nhiên liệu sạch; Ứng dụng năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống dùng cho phương tiện GTVT sử dụng phương tiện ít phát thải, tiết kiệm nhiên liệu...
Phát triển phương tiện GTVT thân thiện với môi trường ở Việt Nam
Việc thực hiện Luật GTĐB, Luật BVMT, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) chính sách phát triển phương tiện ít phát thải, thân thiện với môi trường ở nước ta đã được quan tâm và đưa vào định hướng, Chiến lược phát triển ngành GTVT.
Nhằm thực hiện Chiến lược nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020" tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/03/2012. Trong đó đề ra một số mục tiêu cơ bản liên quan đến phương tiện thân thiện với môi trường như việc thát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đồng bộ và tương thích các loại hình vận tải trong đô thị; Cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân; Khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết UTGT khi đô thị ngày càng phát triển; Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt...
Ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm khuyến khích phát triển phương tiện ít phát thải. Theo đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoạt động kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn khí thải đã dần đi vào nền nếp hạn chế đáng kể các loại phương tiện gây ô nhiễm môi trường tham gia giao thông.
Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm soát khí thải đối với các loại xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải theo Tiêu chuẩn Euro 3, 4, 5 cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc phát triển phương tiện GTVT thân thiện với môi trường thông qua ứng dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế cũng được đẩy mạnh. Ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020 với các mục tiêu là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Về lâu dài, Bộ GTVT chủ trương phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; Ứng dụng LPG, CNG trong vận tải khách bằng xe buýt tại các đô thị; Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông ít phát thải giảm ô nhiễm môi trường.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng NLTK&HQ trong GTVT
Trong thời gian qua, việc kiểm tra khí thải cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm xe đã hạn chế được phần lớn phương tiện có độ phát thải cao. Đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13/01/2004 về quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô tải và ôtô chở người, các xe ôtô thế hệ cũ, lạc hậu, điều kiện an toàn kỹ thuật thấp, có mức tiêu thụ nhiên liệu cao đã dần được thay thế bằng các loại phương tiện vận tải đời mới có suất tiêu hao nhiên liệu thấp. Việc sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hơn trong GTVT đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để cải thiện chất lượng không khí trong các đô thị, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án này có ý nghĩa quan trọng với các tỉnh, thành phố.
Một vấn đề rất đáng quan tâm là tạo lập ý thức chăm sóc, bảo dưỡng xe của chủ phương tiện để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mặt khác cần nêu cao trách nhiệm của các hãng sản xuất xe, thiết lập mạng lưới các trạm bảo hành, bảo dưỡng xe cơ giới, kể cả với xe mô tô, xe gắn máy cho người dân. Cuối cùng, các cơ quan quản lý, kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải hướng dẫn, giám sát, kiểm việc chấp hành pháp luật về giao thông và bảo vệ môi trường của người tham gia giao thông.
Thời gian qua, ngành GTVT ngoài việc phổ biến, tuyên truyền còn khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số kết quả đáng khích lệ là: Ứng dụng logictic trong hoạt động vận tải; ứng dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe, phương pháp đào tạo lái xe sinh thái; nghiên cứu, ứng dụng thiết bị tự động điều chỉnh công suất nhằm tiết kiệm năng lượng trong vận tải đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa; nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng tại các thành phố; tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới về sử dụng động cơ hybrid nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng phát thải ra môi trường.
Theo GTVT