Cuộc cách mạng năng lượng tái tạo trong thế kỷ 21
Thứ tư, 03/04/2013 - 12:15
Thời đại ngày nay là thời đại của năng lượng sạch “A TIME FOR CLEAN ENERGY”.
Thời đại ngày nay là thời đại của năng lượng sạch “A TIME FOR CLEAN ENERGY”. Cuộc cánh mạng về năng lượng tái tạo, năng lượng nhiên liệu mới đang tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường giúp trái đất xanh, sạch, làm thay đổi bộ mặt của thế giới và mang lại sự thịnh vượng, hạnh phúc cho nhân loại trong thế kỷ 21.
KHÁT VỌNG - TẦM NHÌN – CHIẾN LƯỢC
Việt Nam được các tổ chức năng lượng quốc tế và ngân hàng thế giới đánh giá là nước có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, năng lượng gió với công suất dự báo hơn 513.000 MW đứng đầu Đông Nam Á, với tốc độ gió tốt từ 6m/s trở lên. Hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời dọc theo bờ biển 3.260 km và các hải đảo của Việt Nam đã và đang được cấp phép đầu tư, triển khai, vận hành với tổng số vốn đăng ký tới hàng trăm triệu đô la, được các nước như Mỹ, châu Âu hỗ trợ về tài chính. Năng lượng mặt trời với độ bức xạ từ 4 -6 kW/h đang được các doanh nghiệp tự đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất phục vụ cho miền núi, hải đảo, những nơi chưa có điện, cho ngư dân đánh cá, bảo vệ chủ quyền đất nước, cho quân đội với những quần đảo lớn ở biển Đông như Trường Sa, Hoàng Sa.
Việt Nam đứng trong số các nước hàng đầu có tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Đông Nam châu Á. Trong khi đó, Việt Nam chưa đầu tư một khu công nghệ nào dành cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch có tiềm năng vô cùng to lớn này của đất nước. Chính vì vậy sự ra đời của khu công viên khoa học công nghệ của thành phố HCM dành cho việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới là hoàn toàn đúng đắn và có tầm nhìn chiến lược. Tuy có muộn so với các nước nhưng đây sẽ là bước khởi đầu cho sự đột phá của một ngành công nghiệp mới trong thế kỷ 21 và mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Để có được những thành công như mong muốn với chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho các thế hệ tương lai của đất nước và xu hướng thế giới về sự bùng nổ của cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, tăng trưởng bền vững và nền kinh tế tri thức trong thế kỷ 21 thì việc hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để rút ngắn thời gian cho sự đột phá là vô cùng quan trọng.
TRỞ NGẠI - GIẢI PHÁP – HÀNH ĐỘNG
Với nhu cầu tăng trưởng cao cũng như nhu cầu về năng lượng to lớn trong giai đoạn từ 2012 – 2020, Việt Nam mỗi năm cần bổ sung thêm 4.000 MW và sẽ thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng ngay từ năm 2013 như EVN vừa dự báo có thể sẽ phải bù lỗ đến 7.000 tỷ đồng phát điện bằng diesel do thiếu nước các hồ thủy điện.
Các ngân hàng quốc tế như WB, ADB, US Eximbank, KFW… đang sẵn sàng cho các dự án điện gió có hiệu quả vay vốn đầu tư, bởi vậy Chính phủ cần nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho điện gió để thu hút nguồn vốn này.
Một nguồn điện lớn nữa đang rất lãng phí do chính sách mua điện của Nhà nước quá thấp, quá chậm là điện Biomass, Biogas và điện từ rác thải sinh hoạt hiện được EVN mua với giá $4cent/kWh. Do vậy 41 nhà máy mía đường và hàng chục vạn trang trại lớn nhỏ với gần 100 triệu tấn phân gia súc đã phải thải thẳng ra môi trường vì không dám đầu tư phát điện do bị lỗ. Trong khi một đất nước nông nghiệp như Việt Nam với gần 100 triệu tấn rơm, rạ, trấu, vỏ các loại hạt, phế thải từ lâm nghiệp, các doanh nghiệp đều không dám đầu tư nhà máy điện Biomass vì chính sách giá điệu mua quá thấp, trong khi điện nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 200 triệu kWh năm 2005 lên hơn 4 tỷ kWh năm 2012 với giá tăng cao từ 5 - $7cent và bị phạt do dùng ít hoặc nhiều hơn lượng điện đăng ký, và tổn thất truyền tải đã đưa giá điện này cao hơn nhiều.
Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng sớm và ban hành bộ luật Năng lượng Tái tạo và chính sách hỗ trợ rõ ràng cho NLTT, nhanh chóng mở cửa cho ngành năng lượng tái tạo có tiềm năng to lớn này bùng nổ, góp phần giảm tải lưới điện cho Nhà nước và luôn luôn chủ động trong mọi sự biến đổi của xã hội về thiên tai, bão lụt, thảm họa. Nhà nước sử dụng những nguồn quỹ cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay để cho các hộ dân vay lại với lãi suất ưu đãi và không lãi trong 5 -10 năm như các nước châu Âu đang làm, nhưng một mái nhà ở Việt Nam chỉ cần đầu tư bằng 1/20 so với họ, khoảng từ 2.000 -4.000 USD. Các quỹ này sẽ kích thích các hộ dân thành phố vay và cùng bỏ tiền tự đầu tư điện mặt trời hòa lưới, dự phòng giảm tải cho lưới điện và chấm dứt sử dụng máy phát điện diesel ô nhiễm, chi phí cao.
Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ của cả nước, hơn một triệu hộ dân vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, nông thôn, miền núi còn thiếu điện thì giải pháp khả thi là sử dụng điện mặt trời, điện gió, điện biomass, biogas tại chỗ để thay thế cho máy phát điện diesel, giúp giảm nhiều lần chi phí đầu tư so với kéo đường dây điện tới những nơi biên giới, miền núi, hải đảo vừa không khả thi, tốn kém và mất hàng chục năm chờ đợi. Việc triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện nhỏ cho miền núi, hải đảo thực hiện rất nhanh và giảm ngay tiền đầu tư của ngân sách cho việc kéo đường dây điện tới những vùng này, ngoài ra cả một giải pháp tổng thể rất sáng tạo về xây dựng những hồ chứa nước mưa trên núi, núi đá theo bậc thang như Israel đã từng làm để giữ nước cho mùa khô và chăn nuôi, trồng trọt.
Về nhiên liệu sinh học, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn nguyên liệu dư thừa cho xuất khẩu thô là sắn lát, với sản lượng sắn tươi khoảng 10 triệu tấn/năm, và xuất khẩu năm 2012 hơn 3 triệu tấn sắn lát khoảng 1 tỷ đô la, đồng thời để giảm nhập khẩu xăng, dầu, giảm ô nhiễm môi trường và giảm giá thành xăng sinh học, mang lại lợi ích kép cho đất nước.
Chính phủ và các bộ ngành cần phối hợp đồng bộ và tập trung ngay cho việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo (NLTT), nhiên liệu sinh học (NLSH) nói riêng, cần tăng ngay về năng lượng tái tạo trong tổng sơ đồ năng lượng của Việt Nam đến 2020 theo quy hoạch điện 7 từ 5,5% lên thấp nhất là 10% để quy hoạch về hệ thống truyền tải điện đáp ứng kịp thời cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời và biomass, biogas, rác thải, thủy điện nhỏ đang sẵn sàng với nguồn vốn lớn cho tăng trưởng xanh... Bài học tốt nhất chính là bài học của Thái Lan, là nước có tiềm năng tương đối giống với Việt Nam và chính sách rất đúng đắn, khi tăng đến 25% về NLTT và NLSH và thay thế tới 44% vào năm 2021. Giảm tối đa đầu tư cho điện than vì vô cùng ô nhiễm môi trường và nguồn nhập khẩu than rất khó khăn, tiềm ẩn rủi ro. Kêu gọi các nhà đầu tư cho điện LNG để bù vào việc giảm nguồn cung cấp từ điện than và diesel. Việc này sẽ cân đối được giá thành khi giá điện vẫn tăng như hiện nay, nhiên liệu sinh học thay thế cần sử dụng xăng E10-E20-E85 và Biodiesel càng sớm càng mang lại lợi ích to lớn, để chấm dứt xuất khẩu nguyên liệu thô. Điều chỉnh bổ sung này sẽ giúp Việt Nam đi đúng với xu hướng chung của thế giới và Asean về tăng trưởng xanh, bền vững và bảo vệ môi trường đồng thời không bị tụt hậu quá xa so với các nước như Lào, Campuchia.
NLTT, NLSH và tiết kiệm năng lượng đã chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới. Các hiệp hội và Ủy ban Dân tộc miền núi đang cùng nhau đề xuất với Nhà nước đầu tư cho hơn 1 triệu hộ dân nghèo miền núi, biển đảo, biên giới có điện, nước sạch đến năm 2020. Nếu chính sách và quy hoạch của các bộ ngành trình lên Chính phủ mà thiếu tiếng nói, các đề xuất của các hiệp hội, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học thì vẫn sẽ tụt hậu ngay so với các nước Asean và không đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường của Chính phủ. Chúng ta đang rất lãng phí năng lượng và NLTT, đang có lỗi với đất nước, với các thế hệ tương lai.
St