[In trang]
Kiến trúc xanh phù hợp với lối sống Việt
Thứ năm, 25/04/2013 - 10:08
PGS-TS Phạm Đức Nguyên là tác giả cuốn "Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam" vừa giành giải nhì Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012.
PGS-TS Phạm Đức Nguyên là tác giả cuốn "Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam" vừa giành giải nhì Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012. Ông hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, người đang tham gia xây dựng Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam và Hệ thống tiêu chí đánh giá tòa nhà xanh Việt Nam. Hànôịmới có cuộc trao đổi với ông về chủ đề này.

Thưa PGS-TS Phạm Đức Nguyên, gần đây kiến trúc xanh được nói tới khá nhiều song dường như nhiều người chưa hiểu rõ lắm về khái niệm này và sự cần thiết của nó đối với đời sống?

Ngay cả người làm nghề cũng có khi chưa hiểu đúng khái niệm này, khi cho rằng kiến trúc xanh là chỉ kiến trúc liên quan đến vấn đề… cây xanh. Thực sự, kiến trúc xanh là hình ảnh biểu tượng đồng nghĩa, thay thế cho khái niệm kiến trúc bền vững, được tiếp nhận rộng rãi trên thế giới sau khi vấn đề "phát triển bền vững" được toàn thế giới quan tâm (năm 1992) và hệ thống đánh giá công trình xanh của Mỹ xuất hiện (LEED - năm 1995). Lúc đầu, công trình xanh chỉ được coi là một "làn sóng mới", nhưng đến năm 2010 thì nó đã trở thành "cuộc cách mạng"; được hiểu là những công trình xây dựng đáp ứng được các tiêu chí về bảo tồn sinh thái - môi trường, hiệu quả sử dụng nước, năng lượng, vật liệu và môi trường sống tiện nghi cho con người. 

Nói một cách ngắn gọn thì nhờ có hệ thống đánh giá công trình xanh mà kiến trúc bền vững đã tìm được mục tiêu cụ thể để hoạt động. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 30 hệ thống đánh giá. 

354eb468d_dolphin_plaza.jpg

Công trình Dolphin Plaza (Hà Nội) - Giải nhất Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2012.

Ở Việt Nam đã có hệ thống đánh giá công trình xanh chưa và việc áp dụng các tiêu chí thế giới về lĩnh vực này có hiệu quả không, thưa ông?

Ở nước ta, "Hội đồng Công trình xanh" (VGBC) - một tổ chức phi chính phủ - hiện đang hoàn thiện hai hệ thống đánh giá mang tên "Lotus". Tuy nhiên, theo tôi, Lotus chưa phát triển rộng được vào lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam. Cần sớm tìm ra nguyên nhân để khắc phục tình trạng này. 

Bên cạnh đó, "Hội đồng xây dựng xanh Việt Nam" thuộc Hội Môi trường xây dựng Việt Nam (thành lập năm 2011) đang triển khai một công việc do Bộ Xây dựng giao là hoàn thiện một hệ thống tiêu chí đánh giá tòa nhà xanh phù hợp hơn với các điều kiện Việt Nam để phát triển phong trào này trong những năm tới.

Vậy theo ông, công trình xanh ở Việt Nam đang phát triển ở mức nào?

Cũng đã có ít nhiều những công trình xanh được xây dựng ở Việt Nam, tuy nhiên, số lượng còn rất hạn chế. Xu thế này phát triển ở miền Nam mạnh hơn miền Bắc. Có thể kể đến Khu đô thị mới Bình Dương, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và một số công trình nhà ở khác. Gần đây, tôi còn thú vị nhận thấy, ngay Khu đô thị Đặng Xá ở Gia Lâm cũng đạt được một số tiêu chí xanh. Một số KTS trẻ theo đuổi xu thế này và gặt hái được thành công như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào…

Vậy tới đây, trong Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam cũng như hệ thống tiêu chí đánh giá tòa nhà xanh Việt Nam, chúng ta phải chú trọng yếu tố gì để phù hợp với đặc thù môi trường, văn hóa nước ta?

Khi nói về kiến trúc, người ta hay nhắc tới truyền thống, bản sắc dân tộc… nhưng theo tôi chỉ có văn hóa kiến trúc (của không gian và thời gian xác định) mới bao hàm đầy đủ cả sự thừa nhận cái mới, tiến bộ lẫn việc chắt lọc những gì tốt đẹp của quá khứ. Đúng là truyền thống kiến trúc cho ta những kinh nghiệm quý giá: Như làm nhà theo hướng tốt để đón gió, có sân, vườn để phơi phóng, hóng mát… nhưng nó cũng mang yếu tố lạc hậu. Ví như mái ngói âm dương, cách nhiệt tốt nhưng không bền lâu. Chung cư Hà Nội những năm 1970 với cầu thang dốc để dắt xe được coi là hay, nhưng sau thì không phù hợp vì bất tiện, gây ô nhiễm nơi ở…

Tôi cho rằng, dù tiêu chí gì thì văn hóa kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI nhất thiết phải bao gồm 4 nội dung: Tham gia vào ngăn chặn sự hủy hoại hệ sinh thái và môi trường toàn cầu; mang phong cách nhiệt đới; vừa tiếp cận giá trị kiến trúc truyền thống của các dân tộc Việt Nam, vừa sáng tạo thêm những giá trị mới phù hợp với cuộc sống văn minh; áp dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ tối đa môi trường sống.

Công trình Dolphin Plaza đoạt giải nhất Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2012 vừa qua, ở mỗi tầng có một "vườn treo". Hay như Khu chung cư Sky Garden ở thành phố Hồ Chí Minh, có cả một con đường dài 700m dành cho người đi bộ, trẻ em thỏa sức chơi đùa… Đấy chính là những cái "sân" của kiến trúc truyền thống Việt Nam được trở lại trong kiến trúc đương đại. 

Công trình xanh thường đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn khiến người dân còn ngần ngại. Theo ông, các gia đình có thể làm gì để có những công trình xanh trong điều kiện đô thị chật chội hiện nay?

Đúng là việc tăng giá thành công trình có thể là rào cản cho sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Chính vì thế, kiến trúc xanh cần sự vào cuộc tầm chiến lược của Nhà nước và cả sự ủng hộ của người dân. Theo đánh giá của Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Malaysia thì chi phí ban đầu cho việc làm "xanh" công trình có tăng thêm ít nhiều, nhưng lợi nhuận thu được lớn hơn 3-4 lần nhờ tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và tạo được môi trường tốt cho đô thị và con người.

Ở các đô thị lớn của ta, xu thế phủ xanh mái nhà, hiên nhà cũng đang được thực hiện và rất đáng khuyến khích, nhưng phần lớn chỉ là người dân tự phát làm. Cần có những công ty chuyên trách làm việc này thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

Tôi cho rằng cải tạo các chung cư cao tầng trong các đô thị theo hướng xanh có thể góp một phần giải bài toán "đóng băng nhà đất" hiện nay. Kinh nghiệm ở Mỹ cho thấy, các căn hộ trong các tòa nhà xanh được người dân mua và thuê nhanh hơn so với các tòa nhà khác.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thúy Hằng