Đầu tư cho điện tái tạo: Vượt thách thức bằng thể chế hoá
Thứ hai, 13/05/2013 - 13:08
Hình thức hợp tác công – tư phải được “thể chế hoá” thành luật chặt chẽ, tạo pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong đầu tư.
Hình thức hợp tác công – tư phải được “thể chế hoá” thành luật chặt chẽ, tạo pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong đầu tư.
Với tiềm năng hiện có cộng với luật đầu tư hợp lý, điện tái tạo Việt Nam không lo sẽ “phí hoài, phí mãi”.
Gần đây, cục Điều tiết điện lực – bộ Công thương và tập đoàn Điện lực Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi sản lượng thuỷ điện có nguy cơ suy giảm do thời tiết khô hạn kéo dài. Không ít nhà máy thuỷ điện xả nước cầm chừng để “tiết kiệm nước” chờ mùa lũ tháng 5.
Xét ở một góc độ khác, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng mạnh đến thời tiết, thì việc bám trụ vào thuỷ điện sẽ đẩy ngành năng lượng vào thế “chịu trận”. Thay vào đó, nên “lục lại” giải pháp năng lượng tái tạo như một giải pháp quan trọng để xem xét về tương lai ngành
năng lượng Việt Nam.
Ba thách thức lớn trong đầu tư
Việc đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo đã được Nhà nước đề cập từ nhiều năm trước đây và không ít các công trình đã “tiên phong” do ý thức được tính cấp bách và quan trọng của vấn đề an ninh năng lượng. Thứ trưởng bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng từng cho biết khó khăn lớn về năng lượng sẽ xảy ra khi năng lượng hoá thạch (than đá, dầu khí) dự báo sẽ cạn kiệt trong 20 năm nữa.
Trong khi đó, ngành thuỷ điện cũng sẽ “hết công suất” vào năm 2020. Trái với lượng cung hữu hạn, theo viện Năng lượng, Việt Nam sẽ dùng đến trên 250 triệu TOE (tấn dầu quy đổi) vào năm 2030, tăng gấp năm lần so với năm 2009. Hệ luỵ của sự “bất đối xứng” giữa khả năng cung và nhu cầu chính là nguy cơ nhập than đá cho nhà máy điện vào khoảng năm 2015 và số lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng tăng mạnh.
Tuy nhiên, tính đến nay tỷ lệ điện năng lượng tái tạo chỉ chiếm 2% nguồn cung điện quốc gia (tương đương 1,7 tỉ kWh), nhưng chủ yếu vẫn là thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời và khí sinh học nhưng công suất không đáng kể. Vì sao vậy?
Thứ nhất, đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo đòi hỏi chi phí sản xuất rất lớn. Việc xây dựng nhà máy sản xuất, đơn cử như nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, chiếm từ một đến vài tỉ đôla Mỹ. Theo ước tính, chi tiêu cho nguồn nguyên tố silicium để chế tạo một pin mặt trời mất khoảng 60 USD/kg năm 2007 và 67 USD/kg vào năm 2015. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, rõ ràng Việt Nam khó có thể một mình “gồng gánh”.
Thứ hai, các rào cản chính sách vẫn còn là khúc mắc lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tờ trình số 57/TTr-CP ngày 3.4.2012 của Chính phủ trình Quốc hội cùng với dự thảo luật Điện lực sửa đổi vẫn là chưa đủ, nếu không muốn nói là sơ sài, để có thể làm yên tâm và thu hút các nhà đầu tư “triệu đô” vào ngành năng lượng tái tạo.
Thế nên nhiều ý kiến tại hội thảo Tham vấn ý kiến luật Điện lực sửa đổi năm 2012 do trung tâm Sáng Tạo Xanh (GreenID), viện Rosa Luxemburg (Đức), quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và ActionAid Việt Nam phối hợp
tổ chức đã cho rằng: nhất thiết phải bổ sung bộ luật sản xuất và tiêu dùng năng lượng tái tạo. Việc tập đoàn năng lượng First Solar (Mỹ) tuyên bố rút đầu tư dự án pin mặt trời 1,2 tỉ USD tại Việt Nam năm 2012 là một trong những bài học về chính sách thu hút nguồn lực mà Việt Nam cần quan tâm.
Thúy Hằng