Triển vọng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Thứ sáu, 07/06/2013 - 08:55
Diễn biến bất lợi của thời tiết đang ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu cung ứng đủ điện, với tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện hằng năm khoảng 15-17% của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Diễn biến bất lợi của thời tiết đang ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu cung ứng đủ điện, với tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện hằng năm khoảng 15-17% của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Điện gió sẽ giải quyết nhu cầu điện cho nhiều địa phương.
Để giải bài toán năng lượng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới, EVN xác định phương án đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… là phù hợp và hiệu quả. Điều này cũng đã được khẳng định trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam khi năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện (sản lượng điện từ năng lượng tái tạo năm 2020 vào khoảng 2.400MW).
Tiềm năng - Lợi thế
Nhìn vào cơ cấu đóng góp trong ngành điện thì thủy điện vẫn đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện thường không ổn định vì phụ thuộc rất nhiều vào lưu lượng nước đổ về cũng như lượng nước tích ở các hồ thủy điện. Đặc biệt, vào mùa khô, sản lượng điện sản xuất của ngành điện nói chung và EVN nói riêng luôn luôn sụt giảm, dẫn tới tình trạng nhiều địa phương, nhiều khu vực phải đối diện với nguy cơ thiếu điện. Do đó, các nguồn điện được sản xuất ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đang được xem là sự bổ sung lý tưởng cho sự thiếu hụt điện năng vào những lúc “trái gió trở trời”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… không chỉ giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà còn góp phần phân tán rủi ro, tăng cường, đảm bảo an ninh năng lượng. Việc triển khai các dự án phát triển loại hình năng lượng này ở Việt Nam cũng rất thuận lợi. Trong một báo cáo phân tích về tiềm năng điện gió của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: Có tới 8,6% diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt, cao hơn rất nhiều lần các nước trong khu vực như Campuchia (khoảng 0,2% diện tích), Thái Lan (khoảng 0,2% diện tích), Lào (khoảng 2,9% diện tích). Còn nếu xét theo tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn.
Căn cứ theo những số liệu tính toán trên, WB cho rằng, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam vào khoảng 713.000MW, tương đương 250 lần công suất của Thủy điện Sơn La. Hai vùng giàu tiềm năng về điện gió ở Việt Nam là Sơn Hải (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận) với vận tốc trung bình có thể lên tới 6-7m/s và gió có xu thế ổn định, số lượng các cơn bão khu vực ít, thích hợp với các trạm điện gió công suất 3-3,5MW.
Về năng lượng mặt trời, nghiên cứu của giới chuyên gia chỉ ra rằng, với cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, số giờ nắng trung bình hằng năm khoảng 2.000-2.500 giờ, tổng năng lượng bức xạ mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 150kCal/cm2, tương đương khoảng 43,9 tỉ TOE/năm. Những khu vực được đánh giá giàu tiềm năng điện mặt trời là TP Hồ Chí Minh, vùng Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… và đây đều là những điểm “nóng” về nguy cơ thiếu điện nhiều năm nay.
Bên cạnh những thuận lợi về mặt tự nhiên, chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam cũng dành rất nhiều sự ưu đãi cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Luật Bảo vệ môi trường 2005, Điều 33 quy định Chính phủ xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tăng cường năng lượng quốc gia, đồng thời hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo, lồng ghép chương trình phát triển năng lượng tái tạo với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác. Luật cũng khuyến khích bằng cách hỗ trợ ưu đãi về thuế, vốn, đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thân thiện với môi trường cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào ngành.
Ngoài ra, Luật Điện lực 2004 quy định khuyến khích việc khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để phát điện. Các dự án khi đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế. Các thành phần kinh tế khác nhau cũng được tạo điều kiện đầu tư phát triển sử dụng năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng mạng lưới điện hoặc các trạm phát điện sử dụng năng lượng tái tạo.
Thách thức không nhỏ!
Về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1855/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2007 đã chỉ rõ: Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng bao gồm điện, dầu, khí, than năng lượng mới và tái tạo; trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới và tái tạo.
Và để tạo cơ chế cho sự phát triển này, Chiến lược nêu rõ: Hỗ trợ đầu tư cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới và tái tạo; ưu đãi thuế nhập thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật có giá trị; cho phép các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước phối hợp đầu tư khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho các dự án năng lượng như: tìm kiếm thăm dò, phát triển nguồn năng lượng mới tái tạo, năng lượng sinh học; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…
Theo chiến lược phát triển năng lượng, các dự án điện gió, mặt trời ở Việt Nam đã từng bước hình thành và đã có những đóng góp nhất định vào tổng sản lượng điện của cả nước. Điển hình có thể kể tới Dự án “Phát triển năng lượng tái tạo” tại Việt Nam của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) với tổng vốn đầu tư lên tới 318 triệu USD. Dự án sẽ hoàn thiện trong năm 2014 với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao năng lực cho cán bộ, ngành, NHTM và các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; qua đó sẽ tạo điều kiện huy động nguồn vốn bổ sung cho ngành điện và thúc đẩy chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại nước ta.
Ngoài ra có thể kể tới một loạt các dự án khác như Dự án điện gió 30KW + 10 diezel tại Hải Hậu - Nam Định; Dự án tại Bạch Long Vĩ; Dự án điện gió Tuy Phong - Bình Thuận… Đặc biệt, năm 2010, trước những khó khăn về việc cung ứng điện, 5 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất lên tới 344MW.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, để định hướng đề ra trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đạt được kết quả như mong muốn, ngành điện nói chung và EVN cũng như những đơn vị đang tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo tính toán của EVN, để tiến hành các dự án năng lượng sạch, đến năm 2015, nhu cầu vốn của Tập đoàn sẽ lên tới 40 tỉ USD. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với EVN bởi như chúng ta đã biết, thiếu vốn đầu tư cho phát triển hệ thống điện của ngành điện đã trở thành điệp khúc muôn thuở, bởi với cách tính và giá thành hiện tại, khả năng huy động vốn cũng như tích lũy vốn đầu tư của EVN là rất thấp.
Ngoài ra còn có không ít khó khăn từ cơ chế, chính sách, đặc biệt là những quy định về giải phóng mặt bằng, giao đất hay thuê đất…
Theo Petrotimes