Những giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả ở Quảng Bình
Thứ hai, 08/07/2013 - 09:19
Ðể giảm bớt khó khăn trong việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2013, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện (TKÐ).
Ðể giảm bớt khó khăn trong việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2013, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện (TKÐ). Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình TKÐ của các doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh các phụ tải công nghiệp duy trì ổn định như khai thác ti-tan, sản xuất xi-măng và công nghiệp nhỏ thì ngành điện Quảng Bình phải cấp điện thêm cho khu vực cảng Hòn La để thi công Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Nhà máy xi-măng Văn Hóa đi vào sản xuất. Như vậy, trong mùa khô năm nay, dự kiến mức tăng trưởng sản lượng điện tỉnh Quảng Bình khoảng 10%. Công ty Ðiện lực Quảng Bình được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phân bổ sản lượng điện năm 2013 là 488,7 triệu kW giờ. Với mức phân bổ trên thì chỉ đáp ứng được mức tăng trưởng khoảng 7,3% so với năm 2012.
Công nhân Ðiện lực Quảng Bình kiểm tra các thiết bị để hệ điện lưới vận hành an toàn và liên tục.
Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp TKÐ. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ban hành quy định về công tác TKÐ nội bộ đối với cán bộ, công nhân viên gắn với chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và bình xét thi đua hằng quý, năm. Các thiết bị văn phòng dùng điện, điện chiếu sáng đã được lắp đặt đúng chủng loại, có nhãn mác TKÐ. Từ đó, ý thức dùng điện tiết kiệm của mọi người đã có nhiều chuyển biến. Thói quen sử dụng điện lãng phí của cán bộ, công nhân viên tại các cơ quan, công sở nhà nước được hạn chế. Các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường thời lượng tuyên truyền về TKÐ. Công ty Ðiện lực Quảng Bình tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cổ động trên đường phố, in phát tờ rơi, khuyến khích người dân sử dụng những sản phẩm tiết kiệm điện năng. Công ty phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tuyên truyền TKÐ trong trường học, tổ chức cuộc thi "Gia đình tiết kiệm điện" tại TP Ðồng Hới, đồng thời dành tặng 800 suất quà cho các gia đình sử dụng điện năng thấp hơn mùa khô năm 2012. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã tạo cho mình thói quen tắt bớt các đồ dùng, bóng đèn không cần thiết; đồng thời có ý thức mua sắm đồ gia dụng TKÐ nhưng có hiệu suất sử dụng cao.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Chửng ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, trước đây đường điện của địa phương bị xuống cấp cùng với thói quen sử dụng điện lãng phí, thậm chí kéo điện lưới để đánh bắt cá nên lượng điện thất thoát nhiều, đồng thời gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng của người dân. Năm nay, ngành điện đầu tư thay thế hệ thống điện mới an toàn hơn. Người dân địa phương được tuyên truyền, vận động sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn điện trong mùa hè. Gia đình ông và nhiều hộ dân khác đã tình nguyện chặt hàng chục cây ăn quả, hiến đất tạo mặt bằng thi công đường điện mới. Qua đài báo, ông hiểu được mực nước ở các công trình thủy điện đang ở mức thấp, nguy cơ thiếu điện rất lớn. Bởi vậy, gia đình ông quyết tâm sử dụng điện một cách tiết kiệm nhằm ích nước, lợi nhà. Ông thay toàn bộ đèn chiếu sáng nê-on trong nhà bằng bóng đèn TKÐ. Các thiết bị khác cũng được sử dụng có ý thức hơn để tiết kiệm điện năng.
Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Quảng Bình Phạm Sỹ Tiến cho biết, mùa hè 2013, Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC) giao kế hoạch cho đơn vị phải tiết giảm 7,6 triệu kW. Ðể thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng TKÐ trong dân cư, công ty kiểm tra toàn bộ lưới điện để xử lý các điểm xung yếu, thay thế các thiết bị kém chất lượng trên lưới nhằm bảo đảm cho hệ thống lưới điện vận hành an toàn và liên tục; đồng thời phối hợp với Sở Công thương Quảng Bình lập phương án TKÐ cho mọi thành phần phụ tải khi phải thực hiện tiết giảm điện, lập danh sách 75 cơ sở, triển khai phổ biến luật "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" đến các cơ quan, DN sản xuất lớn trên địa bàn. Từ việc vận động, hướng dẫn của đơn vị quản lý và cung ứng điện, một số DN tiêu thụ điện lớn đã mạnh dạn đầu tư cải tiến các thiết bị trong dây chuyền sản xuất, có nhiều sáng kiến để sử dụng điện hiệu quả, phấn đấu tiết kiệm 10% sản lượng điện dùng cho sản xuất... nên đã giảm chi phí về điện, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Qua thực tế tại một số nhà máy có các giải pháp TKÐ hiệu quả, chúng tôi nhận thấy việc làm này không chỉ giảm bớt khó khăn trong cung ứng điện mùa khô mà còn tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận cho các DN trong thời điểm khó khăn hiện nay. Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, Giám đốc Công ty CP bia Hà Nội - Quảng Bình Nguyễn Minh Tuấn cho biết: "Ðơn vị hạn chế sử dụng điện vào các giờ cao điểm và tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm (tức là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau) để sử dụng điện với giá thấp nhất. Công đoạn rất quan trọng là trữ lạnh để nấu bia được chuyển sang giờ thấp điểm. Khi làm lạnh bia, đường ống cũng được bọc lại bằng nhiều lớp để hạn chế nắng nóng chiếu vào làm hao tổn nhiệt. Một số thiết bị điện có công suất lớn được thay thế bằng các thiết bị công suất nhỏ nhằm giảm điện năng tiêu thụ. Mỗi cán bộ, công nhân trong đơn vị được quán triệt hạn chế sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và tắt hết các thiết bị chiếu sáng khi hết giờ làm việc".
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn, trước đây nấu bia chủ yếu bằng điện thì nay chuyển sang dùng củi trấu với số lượng hàng chục tấn/mẻ bia. Giá củi trấu hiện trên thị trường tuy có tăng hơn trước nhưng việc sử dụng vật liệu đun này vẫn rẻ hơn một nửa so với dùng điện. Chỉ riêng việc thay thế vật liệu nấu bia, mỗi tháng nhà máy tiết kiệm gần 20 triệu đồng. Với các hình thức TKÐ nói trên, năm 2012, công ty đã tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, dự kiến năm nay, DN tiết kiệm gần 2 tỷ đồng tiền điện.
Công ty CP Gốm sứ và xây dựng Cosevco chuyên sản xuất gạch men các loại với công suất 1,6 triệu viên/năm. Bình quân mỗi tháng, DN phải trả gần 400 triệu đồng tiền điện. Bởi vậy, vấn đề tiết kiệm và giảm tổn thất điện năng luôn được lãnh đạo công ty quan tâm. Với đặc thù sản xuất của đơn vị, chế biến nguyên liệu là khâu tiêu thụ điện năng nhiều nhất. Qua thử nghiệm, nhà máy đưa vào sử dụng nhiều loại nguyên liệu thay thế có tính chất mềm hơn để giảm thời gian nghiền, nguyên liệu từ 10 đến 11 giờ đồng hồ còn 4,5 - 5 giờ/mẻ. Ðặc biệt, nhà máy vận hành thiết bị nghiền vào những giờ thấp điểm. Trước đây, hệ thống chiếu sáng được thiết kế mang tính tập thể, chiếu sáng toàn bộ nhà máy, hiện nay chiếu sáng cục bộ nhằm giảm tối đa việc hao tổn và lãng phí điện năng. Với những giải pháp TKÐ này, công ty giảm được gần 1kW giờ điện/1m2 sản phẩm (trước đây 1m2 sản phẩm phải tiêu hao 3kW giờ điện) và giảm được 30% chi phí tiền điện hằng tháng so với trước đây.
Có thể thấy, công tác TKÐ ở Quảng Bình đã đạt được những kết quả khả quan nhờ sự chung tay góp sức của DN, tổ chức và hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những DN, đơn vị thực hiện tốt việc TKÐ, vẫn còn một số ít đơn vị còn lãng phí, trong đó chủ yếu là ở các cơ quan hành chính - sự nghiệp sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Nếu không có các quy định ràng buộc và thiếu đôn đốc nhắc nhở thì tình trạng lãng phí điện vẫn xảy ra. Trên nhiều đường phố ở nội thành Ðồng Hới, điện chiếu sáng vẫn bật sớm, tắt muộn hoặc nhiều cụm đèn chiếu sáng trên diện tích hẹp gây lãng phí điện. Dù được nhắc nhở song tình trạng vận hành đèn chiếu sáng công cộng vẫn chưa thật sự TKÐ.
Theo Báo Nhân Dân