[In trang]
Cần có chính sách ưu tiên phát triển nhiên liệu sinh học
Thứ tư, 10/07/2013 - 11:37
Sáng ngày 9/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức lớp tập huấn về phát triển nhiên liệu sinh học bền vững.
Sáng ngày 9/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức lớp tập huấn về phát triển nhiên liệu sinh học bền vững. Theo tài liệu báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học tại lớp tập huấn, do chi phí ban đầu quá lớn, trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ tiêu dùng xăng sinh học nên sản lượng tiêu thụ đạt thấp so với công suất thiết kế ban đầu.

5e979c3d5_img_3509k.jpg

Tính đến tháng 12/2012, cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động, bao gồm: NM sản xuất ethanol nhiên liệu (Công ty CP Đồng Xanh) có công suất thiết kế 130 triệu lít/năm, nhưng đến cuối năm 2012 đang tạm dừng vì phải giải quyết công nợ; NM sản xuất ethanol nhiên liệu (Công ty TNHH Tùng Lâm), với công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; NM sản xuất bioethanol Đắc Tô - Kon Tum với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm; NM sản xuất ethanol sinh học Dung Quất với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; NM sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước thuộc PVOIL có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm.

Sản phẩm của các công ty này được tiêu thụ trong nước khoảng 20% để phối trộn xăng E5 và bán theo hệ thống phân phối của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Sài Gòn Petro. Phần còn lại khoảng 80% sản lượng sản xuất được xuất khẩu cho các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine ở dạng 99,5% và 96% ethanol.

Bên cạnh đó, còn có một số dự án đang đầu tư xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành như: Nhà máy sản xuất ethanol sinh học Phú Thọ (100 triệu lít/năm); Nhà máy cồn sinh học Việt - Nhật (120 triệu lít/năm); Nhà máy sản xuất bioethanol nhiên liệu - Công ty cổ phần Tấn Phát (50 triệu lít/năm); Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu - Công ty cổ phần Thảo Nguyên (100 triệu lít/năm)...

Như vậy, tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của cả nước đạt 535 triệu lít/năm. Khi các nhà máy đi vào hoạt động sẽ đạt công suất thiết kế, do đó, sản lượng ethanol sẽ đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, đảm bảo đủ và vượt để cung cấp cho thị trường cả nước bằng xăng E5 từ đầu năm 2013.

Theo tính toán, trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động 75% công suất thiết kế thì tổng sản lượng ethanol nhiên liệu năm 2013 vẫn có thể đạt để phối trộn 6,26 triệu tấn xăng E5 và vẫn đảm bảo cung cấp toàn bộ xăng E5 cho nhu cầu xăng của cả nước. Vấn đề đặt ra đối với các nhà máy là việc đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất ổn định và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

64e062a09_c4ca8a24751d851176ba2e960207b9c83a2eb53_s6_c30.jpg

Về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành cơ sở pháp lý cho việc tổ chức sản xuất và quản lý năng lượng sinh học, thông qua việc phê duyệt và ban hành Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ cho ngành sản xuất năng lượng sinh học đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - đơn vị tiên phong trong việc đầu tư và đưa sản phẩm xăng sinh học vào thị trường, do chi phí ban đầu quá lớn, trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ tiêu dùng xăng sinh học nên sản lượng tiêu thụ đạt thấp so với công suất thiết kế ban đầu. Do đó, trong khi chờ lộ trình có hiệu lực thì các nhà máy phải sản xuất cầm chừng, và buộc phải xuất khẩu ra nước ngoài với chi phí cao nên gặp rất nhiều khó khăn.

Để đạt được hiệu quả như mong muốn, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối năng lượng sinh học trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho E100 của các NM NLSH và tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng E100, nhằm bảo hộ thị trường sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất.

Đặc biệt là phải có cơ chế cho việc tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về chất lượng sản phẩm và tin dùng. Vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác… Nếu Việt Nam làm được việc đó thì giá thành năng lượng sinh học mới có thể cạnh tranh được với xăng dầu truyền thống và thu hút được nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, đáp ứng được các mục tiêu cơ bản đặt ra tại đề án 177.

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng sinh học theo quyết định 177 của Chính phủ hiện còn nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ban chỉ đạo đề án đã lồng ghép nhiệm vụ đào tạo và nội dung của các đề tài nghiên cứu vào dự án sản xuất thử nghiệm.

Tính đến cuối năm 2012 đã đào tạo được 23 thạc sĩ, 60 kỹ sư, cử nhân có chuyên ngành phù hợp với phát triển năng lượng sinh học, cùng với các nhà máy đã chủ động tự đào tạo được nhiều cán bộ kỹ thuật cao, công nhân kỹ thuật vận hành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành năng lượng sinh học.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành cơ sở pháp lý cho việc tổ chức sản xuất và quản lý năng lượng sinh học, thông qua việc phê duyệt và ban hành Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ cho ngành sản xuất năng lượng sinh học đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Bên cạnh đó là lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn năng lượng sinh học với nhiên liệu truyền thống, cũng như các hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xăng E5, E10, cùng với trang thiết bị sử dụng tồn trữ, phân phối tại cửa hàng xăng dầu và phụ trợ…

 Theo NangluongVietnam.vn