Pin sạc điện công nghệ cao dùng trong quân đội
Thứ tư, 24/07/2013 - 10:46
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) công bố quy trình sử dụng một virus phổ biến để phát triển các vật liệu mới nâng cao hiệu suất cho pin sạc điện lithi-ion.
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) công bố quy trình sử dụng một virus phổ biến để phát triển các vật liệu mới nâng cao hiệu suất cho pin sạc điện lithi-ion. Loại pin này có thể được tích hợp vào vải may các loại phục trang như quân phục hoặc áo xung kích và cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử di động (smart phone, thiết bị định vị GPS, thiết bị hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân...). Tuy nhiên việc phát triển các loại vật liệu chế tạo catốt mới, hay còn gọi là cực dương, vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Pin tạo ra điện năng bằng cách chuyển đổi năng lượng hóa học thành điện năng thông qua 2 cực âm dương - anốt và catốt - ngăn cách bởi chất điện phân. Các nhà khoa học đã miêu tả quy trình chế tạo catốt kiểu mới từ vật liệu sắt florua, vừa giúp giảm bớt trọng lượng và tăng độ linh hoạt cho pin vừa ngăn ngừa thất thoát năng lượng, giảm hiệu suất hoặc giảm độ nhạy sạc điện so với các loại pin sạc ngày nay.
Năm 2009, nhóm khoa học đã thiết kế một virus làm tiêu bản sinh học phục vụ cho mục đích chế tạo anốt và catốt pin ion lithi. Virus này được gọi là bacteriophage M13, gồm một lớp protein phủ ngoài nhân là các gen bên trong. Nó có thể lây lan sang vi khuẩn nhưng không gây hại cho cơ thể người.
Theo đánh giá, sử dụng bacteriophage M13 là một phương pháp sản xuất pin thân thiện với môi trường, có khả năng xử lý mọi loại vật liệu ở nhiệt độ phòng và trong môi trường nước. Các vật liệu này ít gây nguy hiểm hơn vật liệu dùng chế tạo pin ion-lithi hiện nay do chúng tỏa nhiệt ít hơn, do đó ít nguy cơ gây cháy nổ.
Hiện các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm và phổ biến các vật liệu - sử dụng virus - chế tạo pin trên các máy bay không người lái làm nhiệm vụ giám sát. Loại pin này có đặc tính nhẹ, tuổi thọ cao và có thể tích hợp vào vải may trang phục, thuận tiện và phù hợp cho cả quân nhân và thường dân.
Nhóm nghiên cứu cho biết người mặc có thể phải mang trên mình vài pound (pao=450 gram) pin năng lượng tuy nhiên trọng lượng này sẽ giảm đi đáng kể khi loại pin này được tích hợp vào vải may trang phục.
Theo ScienceDaily