Đẩy nhanh lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học
Thứ tư, 21/08/2013 - 10:04
Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được phê duyệt ngày 20/7/2007, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều nội dung liên quan để triển khai nhưng đến nay tình hình sản xuất tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”.
Ngay sau khi Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được phê duyệt ngày 20/7/2007, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều nội dung liên quan để triển khai nhưng đến nay tình hình sản xuất tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam vẫn trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”. Thực tế cho thấy, nếu như chưa có chính sách dài hạn hơn về đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ nguồn nhiên liệu sạch này thì rất lâu nữa những nội dung của Đề án mới có thể đi vào cuộc sống.
Tác động tích cực đến môi trường
Nhiên liệu sinh học là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật như: nhiên liệu được chế xuất từ chất báo của động vật, ngũ cốc, chất thải trong nông nghiệp, sản phẩm thải trong công nghiệp… Được phân loại thành các nhóm chính gồm: Diesel sinh học; Xăng sinh học và Khí sinh học. Ưu điểm nổi trội của nhiên liệu sinh học chính là sự thân thiện với môi trường, đồng thời cũng là nguồn nhiên liệu tái sinh.
Đánh giá cao tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, việc phát triển nhiên liệu sinh học sẽ tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp, tạo ra thị trường tiêu thụ cho nông sản, góp phần giảm di dân về các đô thị.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Từ những năm 1970, thử nghiệm tại nhiều nước như: Braxin, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ… đã chứng minh hỗn hợp xăng pha ethanol có thể sử dụng tốt cho các loại xe máy, ô tô mà không cần thay đổi về kết cấu động cơ.
Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể sử dụng được E10 trên động cơ ô tô, xe máy đang lưu hành mà không cần thiết phải điều chỉnh kết cấu, góc đánh lửa sớm, giúp giảm đáng kể khí thải CO và HC.
“Vật liệu của các chi tiết trong hệ thống cung cấp nhiên liệu động cơ nhìn chung tương thích với xăng E10. Nếu đều đặn sử dụng phương tiện khi sử dụng xăng sinh học E10, trong quá trình vận hành có thể sử dụng lẫn xăng E10 và RON 92 thông thường mà không gây ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý trong khi sử dụng nhiên liệu sinh học người tiêu dung cần chú ý tới các chi tiết bằng đồng, cao su tự nhiên, đồng thời cần làm sạch, hoặc rút ngắn chu kỳ thay thế bảo dưỡng lọc nhiên liệu, thay dầu bôi trơn và nên dùng xăng E10 đều đặn.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - đơn vị tiên phong trong việc đầu tư và đưa sản phẩm xăng sinh học vào thị trường, do chi phí ban đầu quá lớn, trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ tiêu dùng xăng sinh học nên sản lượng tiêu thụ đạt thấp so với công suất thiết kế ban đầu. Do đó, trong khi chờ lộ trình có hiệu lực thì các nhà máy phải sản xuất cầm chừng, và buộc phải xuất khẩu ra nước ngoài với chi phí cao nên gặp rất nhiều khó khăn.
Sản xuất cầm chừng
Ngay sau khi Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/7/2007, Bộ Công Thương và các cơ quan doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các nội dung liên quan, góp phần đẩy nhanh việc triển khai những nội dung của đề án.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có những khó khăn do thói quen tiêu dùng và nhu cầu của thị trường với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn thấp, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động đầu tư vùng nguyên liệu và tâm lý người tiêu dùng đối với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn e ngại, sợ rủi ro.
Tính đến nay, cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đã đi vào hoạt động gồm: Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu - Công ty CP Đồng Xanh; Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu - Cty TNHH Tùng Lâm; Nhà máy sản xuất Ethanol - Công ty TNHH Đại Việt; Nhà máy sản xuất bioethanol Đăk Tô-KonTum; Nhà máy sản xuất ethanol sinh học Dung Quất (Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học miền Trung; và Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước (Tổng công ty Dầu Việt Nam) nhưng hầu hết đều đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng.
Bộ Công Thương tính toán, với công suất thiết kế đạt khoảng 535 triệu lít ethanol và nguyên liệu sử dụng đều là sắn khô (khoai mì), nếu hoạt động hết công suất, 6 nhà máy này sẽ phối trộn được khoảng 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, bảo đảm đủ và vượt để cung cấp cho thị trường cả nước bằng xăng E5 từ đầu năm 2013.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất cũng cho biết, tuy sản phẩm đầu ra tiêu thụ trong nước chỉ đạt 20% để pha trộn xăng E5 và bán theo hệ thống Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Cty Sài Gòn Petro; 80% còn lại xuất khẩu cho các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine ở dạng 99,5% và 96% Ethanol, nhưng do chi phí xuất khẩu tăng cao nên doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, do lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học của Chính phủ vẫn chưa được áp dụng nên việc triển khai hệ thống đầu mối kinh doanh xăng sinh học đến nay mới chỉ “bó hẹp” cho 3 trong số 10 doanh nghiệp thuộc PVN và SaigonPetro, nhưng quy mô cũng rất nhỏ.
Vì vậy, để bảo đảm cho các nhà máy ethanol hoạt động ổn định, tránh tồn kho quá lớn, các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu của Việt Nam buộc phải xuất khẩu sang một số nước lân cận. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các nhà máy này so với thị trường khu vực rất thấp và không có hiệu quả vì việc sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu nên giá thành sản xuất còn cao. Bên cạnh đó, các dự án nhiên liệu sinh học xây dựng kéo dài, chi phí đầu tư lớn; việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu gặp khó khăn…
Cần có chính sách ưu tiên
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân gây trở ngại tiêu thụ sản phẩm xăng sinh học là do thiết bị, cơ sở vật chất cho phân phối xăng E5 chưa được hưởng các chính sách ưu đãi, bởi việc vận chuyển, tiêu thụ xăng sinh học E5 phải có điều kiện riêng so với xăng thông thường.
Đặc biệt, khâu đầu ra cho sản phẩm nhiên liệu sinh học nói chung và xăng E5 nói riêng tại Việt Nam vẫn đang bị “tắc” cho dù các luật, nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm này đã được ban hành.
Theo ý kiến của PVN, để đem lại hiệu quả như mong muốn ban đầu, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho các doanh đầu tư như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho E100 của các nhà máy nhiên liệu sinh học và tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng E100, nhằm bảo hộ thị trường sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển các vùng nguyên liệu vẫn chưa thể được mở rộng vì thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể. Vì vậy, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích vẫn đạt hiệu quả cao, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất.
Để thị trường nhiên liệu sinh học Việt Nam có thể hình thành và phát triển mạnh, ngoài chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, vùng nguyên liệu thì cần có cả cơ chế cho việc tuyên truyền, để người dân hiểu đúng về chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội lẫn môi trường mà nhiên liệu sinh học đem lại.
Theo NangluongVietnam.vn