[In trang]
Đẩy mạnh phát triển công trình xanh
Thứ năm, 05/09/2013 - 10:15
Trong hoàn cảnh phát triển các công trình xanh sử dụng hiệu quả năng lượng đang ngày càng trở nên cấp thiết, Việt Nam cũng đang chuẩn bị ban hành một chiến lược về phát triển công trình xanh.
Trong hoàn cảnh phát triển các công trình xanh sử dụng hiệu quả năng lượng đang ngày càng trở nên cấp thiết, Việt Nam cũng đang chuẩn bị ban hành một chiến lược về phát triển công trình xanh. Phóng viên Website Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường – Bộ Xây dựng xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, phát triển công trình xanh đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ông, tại Việt Nam, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển loại hình này?

75b6d8aa4_cong_trinh_xanh.jpgTheo tôi thuận lợi lớn nhất hiện nay là Chính phủ và các cơ quan rất đồng thuận trong việc phát triển công trình xanh. Điều này sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn cho mục tiêu phát triển loại hình này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là đô thị của Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ với gần 800 đô thị trên toàn quốc. Chiến lược phát triển đô thị cũng chỉ rõ rằng thời gian tới tới đây sẽ tiếp tục đi theo hướng đô thị hóa. Việc này sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, đó là khó khăn thứ nhất. Khó khăn thứ hai là ta đang thiếu công nghệ và nguồn vốn đầu tư cho công trình xanh, bởi lẽ việc cải tạo các công trình cũ và phát triển các công trình mới đòi hỏi nguồn vốn rất lớn trong việc sử dụng thiết bị TKNL hoặc sản xuất các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Khó khăn thứ ba là ta vẫn thiếu các công nghệ sản xuất, các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Trước những thuận lợi và khó khăn ấy, Bộ Xây dựng đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển các công trình xanh, thưa ông?

Trước đây, nhận thức được việc cần thiết phải phát triển công trình xanh nhằm tiết kiệm năng lượng (TKNL), giảm phát thải khí nhà kính và góp phần cùng thế giới thực hiện phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đã phối hợp với một đơn vị tư vấn của Hoa Kỳ để xây dựng quy chuẩn trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công trình xây dựng. Bộ cũng đã phối hợp với Hội đồng công trình xanh của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ Hội đồng Công trình xanh Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân trong việc phát triển công trình xanh; Sử dụng công cụ LOTUS để đánh giá và phát triển công trình xanh ở Việt Nam... Có thể nói, nhờ những hoạt động này, nhận thức của các cấp, các ngành về công trình xanh đã được nâng cao. 

0e6e02f8e_xanh_xanh.jpg

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành một Chiến lược về phát triển công trình xanh và kế hoạch hành động kèm theo. Văn bản này sẽ là cơ sở để từ đó thúc đẩy công trình xanh Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với hội đồng Công trình xanh Việt Nam xem xét, biên soạn và xây dựng những tiêu chí đánh giá công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ, huy động vốn đầu tư vào việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Bộ cũng đang đẩy mạnh việc đào tạo kiến trúc sư thiết kế công trình xanh ở Việt Nam.

Trong công trình xanh, vật liệu thân thiện với môi trường là yếu tố rất quan trọng. Bộ đã có giải pháp gì để phát triển loại vật liệu này, thưa ông?

Hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung. Theo tôi, đây là vấn đề rất có ý nghĩa trong việc phát triển công trình xanh bởi phát triển vật liệu xây dựng không nung sẽ giúp giảm thiểu khí nhà kính trong quá trình nung gạch, đồng thời bảo vệ tài nguyên đất lúa là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, không thể phát triển được ở nước ta. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam chiếm từ 22,4% - 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Công trình xanh có thể giúp tiết kiệm tới 30-40% năng lượng cho các công trình mới và 15-25% năng lượng cho các công trình đang hoạt động. Do đó, việc xây dựng các công trình xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là giải pháp đúng đắn nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm áp lực lên đường dây truyền tải điện quốc gia, xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường.
 

Xin cảm ơn ông!

Bảo Anh