[In trang]
Tốn điện, hại môi trường vì đồ điện phát thải nhiệt
Thứ hai, 11/11/2013 - 10:29
Đồ điện phát thải nhiệt không những gây tốn điện, giảm tuổi thọ sản phẩm mà còn ảnh hưởng tới môi trường.
Đồ điện phát thải nhiệt không những gây tốn điện, giảm tuổi thọ sản phẩm mà còn ảnh hưởng tới môi trường.
ad7e2b46c_bac_khai_2_yrtk_27376.jpg
TS Nguyễn Văn Khải đang đo lượng nhiệt phát ra từ các thiết bị điện trong gia đình.

Giật mình từ con số đo thực tế

Với thiết bị đo nhiệt từ xa, TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa & Đèn tiết kiệm Điện năng đã cùng phóng viên tiến hành đo lượng nhiệt phát ra từ tủ lạnh, tivi, lò vi sóng ở một số hộ gia đình tại khu vực Tây Hồ, Hà Nội.
 
Bà Nguyễn Thị Hà (4/628 Hoàng Hoa Thám) cho biết, trong bếp nhà bà luôn có cảm giác nóng hơn ngoài phòng khách, ngay cả khi không nấu nướng.
 
Theo quan sát trong phòng bếp nhà bà Hà có một tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện, ấm đun điện... Tuy nhiên, chỉ có tủ lạnh là chạy 24/24h. Chỉ tay vào con số hiện trên thiết bị đo nhiệt, TS Nguyễn Văn Khải cho biết, nhiệt độ phòng khách phía ngoài là 24,8 độ C, phòng bếp khi đó không sử dụng thiết bị điện nào ngoài chiếc tủ lạnh có nhiệt độ là 26,3 độ C còn nhiệt độ phía sau tủ lạnh là 30,7 độ C. 
 
TS Nguyễn Văn Khải nhận định, phòng bếp này luôn nóng hơn phòng khách phía ngoài phần vì độ thông thoáng không được như phòng ngoài, phần vì sử dụng nhiều thiết bị điện. Nếu vào giờ nấu ăn, sử dụng thêm các thiết bị điện khác thì mức chênh lệch nhiệt độ có thể lên đến 8 - 9 độ C.
 
Tại căn bếp nhà ông Nguyễn Tiến Trọng (460 Thụy Khuê), TS Nguyễn Văn Khải tiến hành đo đạc lượng nhiệt phát ra từ chiếc tủ lạnh kê ở góc bếp. Chiếc tủ lạnh này còn khá mới kê cách tường khoảng 3 phân, một bên kê gần chạn bát đũa, một bên bình lọc nước để sát cạnh. Theo kết quả đo, nhiệt độ trong nhà là 25,3 độ C, trong khi đó nhiệt độ đằng sau tủ lạnh là 29,50C, ở vị trí bình lọc nước nhiệt độ là 28,9 độ C. TS Nguyễn Văn Khải phân tích, ở khe tường phía sau tủ lạnh nhiệt độ cao hơn là do nhiệt tỏa ra và đã bị giữ lại giữa tường và tủ lạnh. Cạnh đó lại là bình lọc nước chặn ngay kề bên nên nhiệt độ cao là điều dễ hiểu.
 
Cũng tại nhà ông Trọng, TS Nguyễn Văn Khải tiến hành đo với lò vi sóng. Khi chưa bật, nhiệt độ trên bề mặt lò vi sóng là 25,9 độ C, bên trong lò là 24,6 độ C. Khi bật lò vi sóng được 2 phút thì nhiệt độ phía ngoài tăng lên là 29,7 độ C, mặt trước kính là 26,8 độ C.
 
Công nghệ cũ, phát thải lớn

Tại nhà bà Nguyễn Thị Bắc (ngõ 445 Lạc Long Quân), TS Nguyễn Văn Khải tiến hành đo lượng nhiệt phát ra từ tivi. Trước khi tivi bật, nhiệt độ trong phòng là 24,9 độ C, nhiệt độ mặt màn hình là 25,1 độ C. Khi bật tivi khoảng 10 phút, nhiệt độ trên mặt màn hình là 26,6 độ C, đằng sau tivi 28,50C, bên sườn là 28,2 độ C, thử sờ tay vào vỏ hộp thấy nóng ran, sờ đến đâu thấy nóng đến đó. 
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, chiếc tivi này có công nghệ đèn hình cũ nên nhiệt lượng phát thải ra môi trường lớn. Ngoài ra, cạnh tivi để quá nhiều đồ khiến cho nhiệt bị om lại. 
 

Khi nhiệt độ xung quanh khu vực kê đồ điện càng gần với nhiệt độ chung trong phòng chứng tỏ lượng nhiệt phát ra bình thường. Tuy nhiên, nếu mức chênh lệch đến 8 - 9 độ C thì lượng nhiệt phát ra là quá lớn. Sự phát thải nhiệt của các đồ điện tử không chỉ gây hao tổn điện năng, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc làm nóng bầu không khí, ảnh hưởng đến môi trường.

KS Nguyễn Huy Bạo (nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự)


Theo Kiến thức