Công trình tòa nhà Active house sẽ được khởi công vào đầu năm 2014
Thứ hai, 11/11/2013 - 14:31
Trong giai đoạn 2011-2015, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Đan Mạch đã và đang được chuyển đổi từ viện trợ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác thương mại.
Trong giai đoạn 2011-2015, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Đan Mạch đã và đang được chuyển đổi từ viện trợ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác thương mại. Để thúc đẩy chương trình nghị sự tăng trưởng xanh tại Việt Nam, nhiều chương trình thuộc các lĩnh vực khác nhau đã được ký kết, trong đó có dự án xây dựng tòa nhà Active house do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC HCMC) và đại học Bắc Đan Mạch (UCN) phối hợp triển khai.
Kinh nghiệm từ Đan Mạch
Chương trình thích ứng và giảm nhẹ Biến đổi khí hậu được ký kết giữa Việt Nam và Đan Mạch nhằm hỗ trợ cho Việt Nam hướng đến một tương lai xanh bền vững với lượng phát thải các-bon thấp, trong đó lĩnh vực kiến trúc xanh được đặc biệt xem trọng.
Ông Huỳnh Kim Tước trình bày về dự án hợp tác với UCN và KAAI tại diễn đàn doanh nghiệp Việt – Đan 2013
Đan Mạch là quốc gia đi tiên phong trong việc sáng tạo ra những giải pháp góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các thành phần kinh tế. Kinh nghiệm của Đan Mạch trong những thập kỷ qua cho thấy với chính sách năng lượng nhất quán và linh hoạt cùng với một cộng đồng doanh nghiệp chủ động tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thì quốc gia này có thể cùng một lúc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và giảm bớt sự lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Trong 25 năm qua, kinh tế Đan Mạch đã tăng trưởng khoảng 75% trong khi tiêu thụ năng lượng vẫn được duy trì ở mức ổn định. Nhiều năm qua, cả khu vực công và khu vực tư nhân của Đan Mạch đều hướng trọng tâm vào tìm ra những giải pháp và sáng kiến khác nhau để tiết kiệm năng lượng. Nhiều giải pháp công nghệ cao và sáng tạo của Đan Mạch đã chứng minh hiệu quả kinh tế và có sức cạnh tranh quốc tế.
Theo ông René Martin Larsen, giám đốc Trung tâm Xây dựng và Kinh doanh UCN, giám đốc dự án phối hợp giữa ECC HCMC và UCN, tại Đan Mạch điểm khác biệt là sự tiên phong cải tiến từ khối tư nhân. Các doanh nghiệp luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo các giải pháp vì luôn muốn mình là người có thể tiết kiệm tốt nhất.
Chuyển giao công nghệ công trình Active house cho Việt Nam
Tăng trưởng xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Đan Mạch. Bên cạnh đó, nhận thức được trách nhiệm đặc biệt của một nước công nghiệp trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong những nỗ lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện hành động thích hợp hướng tới một nền kinh tế xanh, từ năm 2008, Đan Mạch đã hỗ trợ cho Việt Nam triển khai nhiều chương trình chuyển giao công nghệ và ý tưởng, trong đó có tòa nhà Active house.
Tòa nhà Active house là 1 nội dung nằm trong hợp phần phối hợp triển khai giữa ECC HCMC và các đối tác Đan Mạch –UCN và KAAI. Trước sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thái tử Đan Mạch Frederik, lãnh đạo ECC HCMC, UCN và KAAI đã ký kết ghi nhớ hợp tác tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch vào tháng 9/2013. Theo đó, công trình này dự kiến sẽ được khởi công vào đầu năm 2014 tại Khu công viên phần mềm Quang Trung.
Tòa nhà Active house với thiết kế thông minh và xây dựng bằng vật liệu hiệu quả năng lượng sẽ tự sản sinh năng lượng phục vụ cho chính nó.
Active House là công trình được cách nhiệt tốt, có thể ngăn cản nhiệt bên ngoài xâm nhập vào nhà, từ đó giảm thiểu nhu cầu về năng lượng. Đây cũng là công trình thoáng mát và thoải mái với chất lượng không khí bên trong tốt nhờ được thiết kế thông minh. Nguyên tắc hoạt động của Active house là ngôi nhà sẽ tự sản xuất năng lượng cho chính nó nhiều hơn so với số năng lượng mà nó sử dụng cũng như xác lập mối liên kết bền vững và được tối ưu hóa với bối cảnh xung quanh. Tòa nhà này sẽ phục vụ cho mục đích trưng bày công nghệ hiệu quả năng lượng của các công ty Đan Mạch tại Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo của Viện đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh Đan Mạch – Việt Nam được thiết lập bởi ECC-HCMC, KAAI và UCN.
Theo ông René Martin Larsen, do đặc thù về khí hậu mà ngoài tòa nhà Active house, ở Đan Mạch còn phổ biến loại hình tòa nhà thụ động (passive house) – loại công trình có thể tiết kiệm năng lượng chỉ từ cách chọn vị trí, hướng gió và hướng nắng để tòa nhà tự thu nhận ánh sáng, tự làm mát hoặc làm ấm tùy theo mùa, hoàn toàn không tốn kém, tất cả chỉ nằm trong tư duy và cách thiết kế của kiến trúc sư. Tuy nhiên, trước mắt công trình Active house đầu tiên sẽ được xây dựng để làm một mô hình mẫu tại Việt Nam.
Loại hình tòa nhà tối ưu hóa năng lượng, tất nhiên, khi xây dựng sẽ tốn kém hơn do phải đầu tư cho thiết bị và công nghệ TKNL. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, với việc giá năng lượng có xu hướng tăng lên như hiện nay thì công trình xanh hoàn toàn không quá tốn kém mà thực sự là giải pháp an toàn và tiết kiệm, vì trong quá trình vận hành, lượng năng lượng tòa nhà tiết kiệm được hoàn toàn có thể bù đắp chi phí bỏ ra ban đầu và thời gian sau đó, công trình sẽ sinh lợi nhiều hơn công trình truyền thống.
“Việc xây dựng và đưa vào sử dụng tòa nhà Active house (được xem là công trình tối ưu hóa năng lượng) sẽ giới thiệu kiến thức về công trình tòa nhà bền vững tiên tiến của thế giới với công nghệ, kinh nghiệm của châu Âu cho Việt Nam” – ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc ECC HCMC nói.
Theo ECC-MN