Tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp chưa thực sự được quan tâm
Thứ tư, 27/11/2013 - 10:24
Giải pháp tiết kiệm điện năng đã tác động một cách tích cực đến người dân nông thôn nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng của ngành Điện.
Giải pháp tiết kiệm điện năng đã tác động một cách tích cực đến người dân nông thôn nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng của ngành Điện. Tuy nhiên, mức chuyển biến chỉ mới dừng ở việc thay bóng đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện cho sinh hoạt và một số cho sản xuất, nuôi trồng. Lĩnh vực tiết kiệm điện ở nông thôn vẫn còn nhiều khoảng trống.
Lãng phí điện năng ở các công đoạn sản xuất
Cả nước hiện có khoảng 560 nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động, trong đó ĐBSCL tập trung hơn 200 nhà máy. Mức tiêu thụ điện cho sản xuất thủy hải sản hiện ở mức từ 57 -2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 24 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm. Hầu như, các giải pháp tiết kiệm điện năng ở các nhà máy thủy sản chưa tác động hiệu quả vào các khâu tiêu hao năng lượng nhiều nhất. Chủ yếu, các doanh nghiệp mới chỉ thay đổi về đèn chiếu sáng, biến tần để giảm hao tổn điện năng.
Kết quả khảo sát tình hình sử dụng năng lượng tại 24 nhà máy chế biến thủy sản ở Việt Nam do Trung tâm tiết kiệm năng lượng Tp. HCM thực hiện, đã cho thấy, suất tiêu hao năng lượng trung bình của các nhà máy này cao gấp 2,4 lần so với mức trung bình của thế giới. Điều này, được lý giải bởi hai yếu tố: Tay nghề của người vận hành còn thấp và dây chuyền công nghệ, thiết bị lạc hậu. Để thay đổi thực trạng này, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kinh phí, nhất là trong bối cảnh kinh doanh đang gặp khó như hiện nay.
Về hoạt động của các nhà máy xay xát, chế biến gạo, theo báo cáo của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổn thất lúa sau thu hoạch của Việt Nam lên đến gần 14%, cao hơn Ấn Độ (6%), Nhật Bản (3,9% – 5,6%). Đứng sau mức tổn thất lúa sau thu hoạch gây thiệt hại gần 10.000 tỷ đồng/năm, là công nghệ phơi sấy rất lạc hậu, suất tiêu thụ điện cao, đòi hỏi phải đầu tư công nghệ mới…
Hệ thống tưới tiêu của nông nghiệp Việt Nam cũng đang làm hao tổn điện năng đáng kể. Trên thực tế, có những xí nghiệp chế biến nông sản, hoa quả, thủy sản, mỹ nghệ thủ công, các dịch vụ sửa chữa cơ khí nông nghiệp… thường phải lấy điện từ trạm bơm tạo, nên mạng đường dây điện quá dài. Đây là nguyên nhân chính gây ra tổn thất điện năng và sụt áp ở cuối đường dây.
Ngành chế biến thủy sản vẫn còn nhiều tiềm năng tiết kiệm điện
Vẫn còn thụ động… chờ chính sách
Cũng phải khẳng định rằng, giải pháp tiết kiệm điện năng đã tác động một cách tích cực đến người dân nông thôn nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng của ngành Điện. Tuy nhiên, mức chuyển biến chỉ mới dừng ở việc thay bóng đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện cho sinh hoạt và một số cho sản xuất, nuôi trồng. Lĩnh vực tiết kiệm điện ở nông thôn vẫn còn nhiều khoảng trống.
Chất lượng của kiểm toán năng lượng trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực sự đủ vai trò để hoạch định mức tiêu thụ điện năng? Những báo cáo kiểm toán năng lượng trong các nhà máy chế biến thủy sản gần đây chưa chỉ ra được con số cụ thể lãng phí điện năng qua các năm, đồng thời chưa thiết lập được dữ liệu có tính cảnh báo trong mối tương quan với công suất, thiết bị công nghệ. Các báo cáo khuôn mẫu chỉ dừng lại ở việc chỉ ra được những yêu cầu đổi mới về thiết bị có chức năng giảm mức tiêu hao năng lượng. Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: “Văn phòng chú trọng thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng, tòa nhà... Năm 2012 - 2013, ngân sách của Chương trình cũng không có khoản nào chi cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp, ngoài mức là hỗ trợ các gia đình xây dựng hầm biogas”.
Theo ông Đinh Vũ Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các chính sách về tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ mang tính định hướng. Các biện pháp cụ thể, quy trình kỹ thuật hướng dẫn chi tiết cho từng khâu sản xuất nông nghiệp tiết kiệm năng lượng thì chưa có. Theo ông, cần phải có một cuộc tổng rà soát mức tiêu thụ ở các nhà máy sản xuất kinh doanh thủy sản, hệ thống tưới tiêu... "Đổi mới trang thiết bị không phải một lúc làm ngay được. Hơn nữa, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, cơ chế tác động hiệu quả nhất là giá. Cho nên, điều tiết giá điện cũng là một cách để góp phần giảm thiểu mức tiêu thụ điện năng lãng phí” - Ông Thanh nói.
Như vậy, lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong ngành nông nghiệp dường như vẫn đang chờ chính sách cụ thể từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo TCĐL