[In trang]
Đại sứ Giờ trái đất 2014 tiết kiệm năng lượng thế nào?
Thứ năm, 27/03/2014 - 10:17
Trong chương trình: “Hãy hành động để trái đất thêm xanh” diễn ra tại trường Đại học Hà Nội, ngày 24/3 những Đại sứ Giờ trái đất 2014 đã có khoảng thời gian giao lưu vô cùng ý nghĩa với các bạn sinh viên của trường về những hành động tiết kiệm năng lượng của mình.
Trong chương trình: “Hãy hành động để trái đất thêm xanh” diễn ra tại trường Đại học Hà Nội, ngày 24/3 những Đại sứ Giờ trái đất 2014 đã có khoảng thời gian giao lưu vô cùng ý nghĩa với các bạn sinh viên của trường về những hành động tiết kiệm năng lượng của mình.

Bản thân mỗi Đại sứ đã có những hành động cụ thể nào để tiết kiệm năng lượng?

Bảo Trâm: Theo Trâm thì không lãng phí nghĩa là tiết kiệm, riêng bản thân Trâm tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn khi không sử dụng. Đặc biệt, Trâm không dùng điều hòa, bất cứ mùa nào trong năm. Trước đây, khi chưa đi hát, Trâm thường sử dụng giấy báo đã qua sử dụng để làm đồ lưu niệm cho bản thân và tặng bạn bè của mình.

Ngoài ra, việc thực hiện tiết kiệm năng lượng giúp chúng ta cũng có thể sáng tạo, phát minh ra những nguồn năng lượng mới.

Á hậu Thụy Vân: Việc tiết kiệm năng lượng đối với Thụy Vân không chỉ gắn với việc bảo vệ môi trường mà còn gắn với việc tiết kiệm cho chính gia đình mình. Bởi vậy, Thụy Vân thường đi bộ thay vì đi xe máy hay ô tô đến những địa điểm gần để tiết kiệm xăng và giảm ô nhiễm môi trường. Khi giữ vai trò là đại sứ Giờ trái đất 2014 - Thụy Vân cảm thấy rất vui vì có thể tuyên truyền thông điệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình mình.

Ông John Nielsen: Một vài hành động tôi làm trong năm vừa qua có thể kể đến như đi xe đạp để đi làm. Ngoài ra tôi còn đưa ra mục tiêu cho Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam là phải tiết kiệm năng lượng và chúng tôi đã đạt được kết quả như mong đợi nên tôi rất tự hào. Không chỉ vậy, tôi còn cố gắng dạy các con của mình tắt bật đèn như thế nào cho đúng cách để tiết kiệm điện.

630c24e16_daisugiaoluu.jpg

Đại sứ Giờ trái đất 2014 giao lưu cùng các bạn sinh viên trường ĐH Hà Nội.

Để tạo ra những tác động tích cực đối với các sự kiện như Giờ trái đất thì hoạt động quan trọng nhất là gì?

Thụy Vân: Để đem lại những tác động trong chiến dịch Giờ trái đất, hoạt động quan trọng nhất là tuyên truyền để đem đến nhận thức đúng cho mọi người.

Những chiến dịch như thế này tạo làn sóng, tác động mạnh đến ý thức con người. Tôi cảm thấy khâm phục ông John Nielsen vì mới đến Việt Nam hơn 3 năm nhưng thời gian ấy ông đã đồng hành cùng Giờ trái đất, bảo vệ Việt Nam và bảo vệ chính môi trường Việt Nam. Tại sao một người nước ngoài làm được thế mà người Việt Nam lại không làm được?

Bảo Trâm: Giờ trái đất không chỉ tổ chức trong một ngày, một tháng, một năm mà là cả một quá trình để tạo tình yêu của con người với môi trường. Điều quan trọng nhất các bạn cần hiểu là bảo vệ môi trường tức là bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng và cho chính bản thân mình. Trâm nghĩ, bất cứ chương trình nào cũng tác động và nâng cao ý thức chứ không thể thay đổi được ý thức. Quan trọng bản thân mỗi người phải tự hiểu và thay đổi mình.

Theo Nguoiduatin.vn