Ấp văn hóa tiết kiệm điện là chương trình tiết kiệm
điện do Tổng công ty Điện lực Miền Nam phối hợp với công ty Điện lực các địa
phương xây dựng và phát động từ năm 2012. Sau gần 2 năm triển khai, mô hình này
đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và được nhân rộng trên nhiều địa
bàn.
Mục đích của chương trình nhằm tuyên truyền, nâng
cao nhận thức của người dân về tiết kiệm điện. Từ đó, giúp các hộ gia đình có biện pháp sử dụng điện hiệu quả,
cũng như dần thay thế những thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng bằng thiết bị tiết
kiệm điện. Nhiều hộ gia đình đạt tiêu chí tiết kiệm điện sẽ tạo thành “Ấp văn
hóa tiết kiệm điện”.
Phát động chương trình "Ấp văn hóa tiết kiệm điện" tại Bình Dương
Trong tháng 5 vừa qua, nhiều địa phương như Bình
Dương, Tây Ninh, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Long An… tiếp tục phát động phong trào Ấp
văn hóa tiết kiệm điện năm 2014. Tính đến nay, chương trình này đã được phát động
tại hơn 21 tỉnh thành, xây dựng được hơn 523 ấp tiết kiệm điện với hơn 220 ngàn
hộ gia đình tham gia. Chương trình được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn từ những
hành động nhỏ nhưng thiết thực.
Tại huyện Lấp Vò, tỉnh
Đồng Tháp, Công ty điện lực đã phát tờ rơi, phối hợp tuyên truyền cho người dân
hình thành thói quen lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện năng ít tiêu hao
trong gia đình. Đồng thời, điện lực địa phương cũng tiến hành thay thế 3.102
bóng đèn các loại cho 865 hộ dân bằng bóng compact tiết kiệm điện.
Bà Phạm Thị Chính, ấp Vĩnh
Bình A, Lấp Vò cho biết, gia đình bà đã được thay thế các bóng đèn cũ bằng bóng
tiết kiệm điện. Ngoài ra, nhờ có sự tư vấn của cán bộ điện lực, bà đã ý thức được
việc ngắt các nguồn điện của ti vi, quạt điện khi đi ra ngoài, cũng như hạn chế
mở cửa tủ lạnh để tránh thất thoát nhiệt.
Ông Nguyễn Văn Hương đang thay thế đèn bóng sợi đốt bằng bóng compact
Ông Nguyễn Văn Hương, ấp Thới Thuận A (Cần Thơ) phấn khởi: “Trước đây, mỗi tháng
nhà tôi đóng gần 100.000 đồng tiền điện. Từ khi tham gia tiết kiệm điện, làm
theo hướng dẫn của cán bộ điện lực (sử dụng bóng đèn compact, hạn chế xài các
thiết bị điện không cần thiết…), tôi tiết kiệm được trên 30.000 đồng/tháng”. Số
tiền này đối với hộ gia đình nghèo như ông Hương có ý nghĩa rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Qua, nông
dân ngụ tại thị trấn Cái Bè (Tiền Giang) hào hứng khoe, kể từ khi được tư vấn
về cách dùng điện tiết kiệm, gia đình bà tiết kiệm được từ 100.000- 150.000 đồng
tiền điện mỗi tháng. Kinh nghiệm sử dụng điện tiết kiệm của bà Qua là sử dụng
điện khi thật cần thiết, thay thế các dụng cụ điện bằng loại tiết kiệm điện, giặt
quần áo khi đã đủ trọng lượng, đun nấu cám heo và nước uống bằng củi, lá cây tận
dụng trong vườn nhà thay cho bếp điện.
Cán bộ điện lực hỗ trợ người dân thay bóng đèn tiết kiệm điện
Phong trào Ấp văn hóa tiết kiệm điện không chỉ giúp các gia
đình giảm hóa đơn tiền điện, mà còn tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận
thức. Ông Nguyễn Minh Thế, trưởng ấp Đại Thắng (Đồng Nai) chia sẻ: “Hiện nay, hầu
hết người dân trong ấp Đại Thắng đều sử dụng bóng đèn compact thắp sáng. Giờ
đây đã trở thành thói quen, khi mua đồ điện, mọi người cũng chọn những thiết bị
ít tiêu hao điện năng. Tại các cuộc họp tổ nhân dân hàng tháng, chúng tôi đều
phổ biến các biện pháp tiết kiệm điện đến với bà con. Do đó, ý thức tiết kiệm
điện của mỗi thành viên trong các hộ dân luôn được nêu cao”.
Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (Bà Rịa- Vũng Tàu),cho biết có 320 hộ gia đình đang hưởng ứng phong trào “Ấp văn hóa tiết kiệm điện”. Sau hơn 1 năm triển khai, số tiền tiết kiệm điện hàng tháng của mỗi gia đình đã giảm từ 30-50 ngàn đồng.
Chương trình “Ấp văn hóa
tiết kiệm điện” đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động
của người dân về tiết kiệm điện góp phần vào việc thúc đẩy
hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả.
Hải Nhy