Trong 1 tháng diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh World Cup 2014, dự tính có khoảng 2,4 triệu tấn khí CO2 phát thải ra môi trường. Để giảm thiểu khí thải nhà kính, Brazil đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng nhằm xây dựng một giải đấu thân thiện với môi trường.
Nỗ lực của Brazil tập trung vào việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong các sân vận động. 12 sân vận động tổ chức World Cup đã được cấp giấy chứng nhận của hệ thống Định hướng Thiết kế về Năng lượng và Môi trường (LEED).
Hệ thống này do Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ thiết lập và đã được quốc tế công nhận. Để đạt được chứng nhận này, các sân vận động phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí gồm: sinh thái xây dựng, quản lý năng lượng, tiện nghi và sức khỏe.
Sân vận động Castelao được thắp sáng bằng bóng đèn tiết kiệm điện
Sân vận động Castelao ở thành phố Fortaleza, Brazil là sân vận động đầu tiên trên thế giới đạt tiêu chuẩn LEED. Đây được xem là cột mốc thành tựu quan trọng trong chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả tại quốc gia Nam Mỹ này. 387.500 m2 mái vòm sân vận động được làm bằng vật liệu phản quang, vừa giảm sức nóng cho tòa nhà, lại giảm thiểu nhu cầu làm mát.
Toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong sân vận động sử dụng bóng compact và bóng led, vừa tiết kiệm điện lại đảm bảo cường độ ánh sáng. Để giảm lượng nước sử dụng, sân vận động cũng cho lắp đặt các thiết bị giúp tiết kiệm đến 30% lượng nước.
97% khu văn phòng được thiết kế sử dụng ánh sáng tự nhiên. 100% các khu vực có công tắc đèn riêng biệt và chỉ bật khi cần thiết. Ước tính, áp dụng các giải pháp xây dựng thông minh giúp sân vận động Castelao tiết kiệm được 12,7% năng lượng tiêu thụ hàng năm.
Các tấm pin mặt trời trên nóc một sân vận động ở Brazil
Tại Castelao cũng như 11 sân vận động còn lại, tất cả các thiết bị, máy móc được đưa vào sử dụng đều phải đáp ứng các tiêu chí năng lượng do Chính phủ đặt ra. Trước đó, Chương trình năng lượng hiệu quả của Brazil cũng đưa ra những hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ kinh phí cho việc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Trong đó, Ngân hàng Kinh tế và Xã hội Quốc gia đã cho các sân vận động vay vốn để lắp đặt pin mặt trời trên mái. Theo tính toán, mỗi sân vận động có thể sản xuất được 2,5 MW điện từ năng lượng mặt trời, đáp ứng được 50% nhu cầu của chính nó.
Mọi sự quan tâm đang đổ dồn về những sân cỏ ở Brazil. Nước chủ nhà kỳ vọng với hệ thống sân vận động “xanh”, nước này sẽ đi tiên phong trong việc tạo ra một mùa World Cup tiết kiệm năng lượng nhưng không kém phần sôi động.
Hải Nhy