[In trang]
Tiết kiệm năng lượng có thể giúp tăng GDP toàn cầu từ 1,8-2,6 nghìn tỷ USD/năm
Thứ hai, 11/08/2014 - 09:01
Việc chuyển hướng sang vận tải sạch, tăng cường tiết kiệm nhiên liệu trong các nhà máy, tòa nhà và các thiết bị có thể giúp tăng GDP toàn cầu từ 1,8 đến 2,6 nghìn tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian từ nay cho tới năm 2030.

Đó là nội dung chính của báo cáo “Nâng tầm lợi ích”, được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Hỗ trợ Khí hậu (ClimateWorks Foundation) công bố mới đây.

Báo cáo nhấn mạnh vào nhu cầu cấp bách thực hiện các hành động về biến đổi khí hậu. Các chính sách nhằm tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải và quản lý giao thông công cộng của các nước có thể giúp tăng sản lượng kinh tế toàn cầu vào khoảng trên 1,8 nghìn tỷ USD mỗi năm, đồng thời góp phần cứu mạng sống, giảm thiệt hại mùa màng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Nâng tầm lợi ích” tập trung vào 5 nhóm quốc gia gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Hoa Kỳ - và Liên Minh Châu Âu. Báo cáo đã sử dụng một mô hình mới phân tích các lợi ích mà chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu mang lại trong các ngành vận tải, công nghiệp, xây dựng và quản lý chất thải và dầu ăn.

d933aecb7_tang_gdp_toan_cau.jpg

Tiết kiệm năng lượng giúp tăng GDP toàn cầu

Báo cáo cho thấy rằng, các chính sách chuyển hướng sang vận tải sạch, tăng cường tiết kiệm nhiên liệu trong các nhà máy, tòa nhà và các thiết bị có thể giúp tăng GDP toàn cầu từ 1,8 đến 2,6 nghìn tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian từ nay cho tới năm 2030.

Đồng thời, các chính sách này cũng góp phần cứu được 94.000 người khỏi tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm và giảm lượng khí thải nhà kính, tương đương với khói thải của 2 tỷ chiếc xe hơi mỗi năm tại thời điểm 2030.

Nếu thực hiện triệt để các quy định, chính sách thuế và các hành động chính sách khác nêu trong báo cáo, thì sẽ giảm được 30% lượng khí thải cần thiết để hạn chế mức nóng lên toàn cầu chỉ là 2°C vào năm 2030.

“Nâng cao lợi ích” cũng mô phỏng mở rộng 3 dự án sẵn có (và một kịch bản tại Trung Quốc) nhằm xác định tác động trong 20 năm tới: dự án xe buýt nhanh tại Ấn Độ, dự án quản lý chất thải rắn tại Brazil, dự án quản lý chất thải rắn nông nghiệp tại Mexico, và dự án bếp sạch tại Trung Quốc.

6cd0d5662_khi_thai_co2.jpg

Tiết kiệm năng lượng giúp giảm từ 355 đến 520 triệu tấn khí CO2 phát thải

Kết quả cho thấy, sẽ cứu được trên 1 triệu người, tránh thiệt hại từ 1-1,5 triệu tấn sản phẩm trồng trọt, và tạo được khoảng 200.000 việc làm.

Ngoài ra, cũng giảm được một lượng khí thải CO2 từ 355 đến 520 triệu tấn, tương đương với việc đóng cửa 100-150 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.

“Các nước cần nghiên cứu kỹ bằng chứng nêu ra trong báo cáo”, bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu nói. “Bằng chứng đó cho thấy lợi ích kinh tế nếu chúng ta hành động thay vì không hành động gì trên lĩnh vực biến đổi khí hậu. Hành động không đòi hỏi một sự hi sinh về kinh tế, nói cách khác, nếu quản lý tốt sẽ khai thác được nhiều lợi ích từ biến đổi khí hậu”.

Theo kinhtevadubao.com.vn